Các nội dung nào được quy định trong việc kiểm tra và giám sát tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh tại cảng hàng không?
Nội dung chính
Kiểm tra, giám sát tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh tại cảng hàng không theo các nội dung nào?
Tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư liên tịch 63/2016/TTLT-BTC-BGTVT quy định kiểm tra, giám sát tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh theo các nội dung sau:
- Thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ hải quan, an ninh, an toàn hàng không;
- Thông báo kịp thời thông tin liên quan tới tổ lái và nhân viên trên chuyến bay đang dừng đỗ tại sân bay vi phạm pháp luật hoặc vi phạm an ninh, an toàn hàng không;
- Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật do các cơ quan chức năng thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; các trường hợp phát sinh tội phạm xử lý theo quy định của pháp luật hình sự;
- Nội quy làm việc đối với nhân viên phục vụ (vệ sinh, thợ máy, tiếp liệu, bốc xếp, lái xe...) và bảo vệ an ninh khi tàu bay đỗ tại sân bay;
- Quy trình nghiệp vụ cung ứng xăng dầu, suất ăn, vật dụng, hành lý, hàng hóa đưa ra, đưa vào tàu bay khi đỗ tại sân bay.
Kiểm tra, giám sát tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh tại cảng hàng không theo các nội dung nào? (Hình từ internet)Kiểm tra, giám sát đối với các trường hợp giám sát đặc biệt tại cảng hàng không như thế nào?
Theo Khoản 3 Điều 11 Thông tư liên tịch 63/2016/TTLT-BTC-BGTVT quy định kiểm tra, giám sát đối với các trường hợp giám sát đặc biệt:
- Các trường hợp giám sát đặc biệt bao gồm: các tàu bay, hành khách là đối tượng đang cất giấu, vận chuyển hành lý, hàng hóa, vật phẩm cấm xuất khẩu, nhập khẩu hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hóa thuộc diện tạm ngừng nhập khẩu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; các tàu bay và hành khách đi từ các vùng có yêu cầu giám sát dịch bệnh, các trường hợp vì lý do an ninh, an toàn hàng không, bảo vệ cộng đồng, an ninh quốc gia và các trường hợp theo yêu cầu đặc biệt khác;
- Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và Giám đốc Cảng vụ hàng không hoặc Giám đốc Cảng Hàng không tùy theo quy định thẩm quyền bảo mật thông tin, chức năng, nhiệm vụ và thực tế địa bàn thực hiện phối hợp với nhau và phối hợp với các lực lượng chức năng khác tại khu vực cảng hàng không để có phương án kiểm tra, giám sát. Công tác giám sát bao gồm các nội dung sau:
Kế hoạch giám sát chặt chẽ khu vực sân đỗ tàu bay trọng điểm; đường dẫn hành khách trọng điểm; khu vực nhận trả đưa ra vào của hành lý hoặc hàng hóa trọng điểm;
Phối hợp bố trí phân công nhân lực, ca trực, phương tiện trang thiết bị sử dụng khi cần thiết;
Cách thức phối hợp trong quá trình áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, ngăn chặn, Điều tra, xử lý vi phạm;
Trường hợp có nghi vấn hiện tượng tiêu cực trong nội bộ hay gây cản trở, báo cáo lãnh đạo cấp trên để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo.
Kiểm tra thực tế hành lý, hàng hóa tại cảng hàng không như thế nào?
Căn cứ Khoản 4 Điều 11 Thông tư liên tịch 63/2016/TTLT-BTC-BGTVT quy định kiểm tra thực tế hành lý, hàng hóa:
- Thực hiện theo đúng các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử lý về an ninh, an toàn hàng không của Luật Hàng không và Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về an ninh hàng không và các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền của cơ quan hải quan của Luật Hải quan và Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ; kiểm tra thực tế phải được thực hiện trước mặt chủ hàng hóa và hành lý;
- Trường hợp phát hiện hàng cấm, hàng lậu trốn thuế hoặc các vi phạm liên quan phải tạm giữ, tịch thu tang vật theo quy định pháp luật thì thực hiện xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan, Nghị định số 147/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng; trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì xử lý theo pháp luật hình sự.