12 Dự án nhà ở TP Thủ Đức vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư
Nội dung chính
12 Dự án nhà ở TP Thủ Đức vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư
Sáng ngày 6/2, UBND TP.HCM đã công bố đồ án quy hoạch chung của TP. Thủ Đức đến năm 2040, 12 Dự án nhà ở TP Thủ Đức vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2030, dân số tại khu vực này dự kiến đạt khoảng 1,8 triệu người. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 2,6 triệu vào năm 2040 và có thể đạt 3 triệu sau năm 2040.
Không gian đô thị được chia thành 9 phân vùng phát triển, gắn với 11 khu vực trọng điểm dựa trên những yếu tố về văn hóa, lịch sử và đặc trưng riêng của từng địa bàn.
Hạ tầng giao thông là một trong những điểm nhấn quan trọng trong quy hoạch lần này. TP. Thủ Đức sẽ phát triển 9 tuyến đường sắt đô thị và liên vùng, kết nối trực tiếp với các khu vực khác của TP.HCM cũng như sân bay Long Thành, hướng đến việc đáp ứng từ 50-60% nhu cầu đi lại của người dân.
Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường mới sẽ được triển khai nhằm tăng cường kết nối, bao gồm tuyến liên cảng nối Cát Lái - Phú Hữu với Vành đai 3 và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cùng với tuyến kết nối Vành đai 2 và cao tốc TP.HCM - Chơn Thành.
Ngoài giao thông, quy hoạch cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng hạ tầng xã hội. Theo kế hoạch, diện tích đất dành cho giáo dục cấp đô thị sẽ tăng gần 5 lần, đất cho y tế mở rộng hơn 10 lần, trong khi đất dành cho công trình văn hóa, thể thao tăng gấp 3 lần. Riêng diện tích công viên cây xanh sẽ đạt 1.800 ha, nhằm tạo thêm không gian xanh và cải thiện môi trường sống.
Nhằm cụ thể hóa quy hoạch và thu hút đầu tư, tại hội nghị công bố, chính quyền địa phương đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 12 dự án nhà ở trong năm 2024, với tổng vốn đăng ký hơn 33.000 tỷ đồng.
Hiện nay, thành phố đang triển khai 535 dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 800.000 tỷ đồng. Các dự án nhà ở TP Thủ Đức này sẽ được thực hiện theo 5 phương thức, bao gồm đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, hợp tác công - tư (PPP), các phương thức khác theo quy định pháp luật và nguồn vốn đầu tư công.
Ngoài việc phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư, thành phố cũng tập trung vào việc phối hợp với các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu để phát huy lợi thế liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung.
Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích đổi mới sáng tạo và cải cách hành chính cũng là những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công và hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp cũng như người dân.
12 Dự án nhà ở TP Thủ Đức vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư (Ảnh từ Internet)
Thời kỳ quy hoạch sử dụng đất là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai 2024 quy định về thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như sau:
Thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
1. Thời kỳ, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và quy hoạch sử dụng đất an ninh thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch.
2. Thời kỳ, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thống nhất với thời kỳ, tầm nhìn của quy hoạch tỉnh.
3. Thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 10 năm. Tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 20 năm.
4. Thời kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc gia, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là 05 năm; kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện được lập hằng năm.
Như vậy, thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 10 năm. Tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 20 năm.
Thời kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc gia, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là 05 năm; kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện được lập hằng năm.
Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh bao gồm những gì?
Theo quy định tại Điều 65 Luật Đất đai 2024 như sau:
Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh
1. Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh bao gồm:
a) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia;
b) Các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có sử dụng đất cấp quốc gia, liên tỉnh;
c) Quy hoạch tỉnh;
d) Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của đơn vị hành chính cấp tỉnh;
đ) Hiện trạng sử dụng đất, biến động đất đai, chất lượng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất kỳ trước của tỉnh;
e) Nhu cầu, khả năng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương; nguồn lực đầu tư công và các nguồn lực khác;
g) Tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất.
2. Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh bao gồm:
a) Định hướng sử dụng đất được xác định trong quy hoạch tỉnh, tầm nhìn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu;
b) Xác định chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia và chỉ tiêu sử dụng đất theo nhu cầu sử dụng đất cấp tỉnh;
c) Xác định chỉ tiêu sử dụng đất quy định tại điểm b khoản này đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;
d) Xác định ranh giới, vị trí, diện tích khu vực lấn biển để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp;
đ) Khoanh vùng các khu vực sử dụng đất cần quản lý nghiêm ngặt, gồm: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên;
e) Phân kỳ quy hoạch sử dụng cho từng kỳ kế hoạch 05 năm theo các nội dung quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản này;
g) Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch sử dụng đất.
...
Theo đó, căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh bao gồm:
- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia;
- Các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có sử dụng đất cấp quốc gia, liên tỉnh;
- Quy hoạch tỉnh;
- Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của đơn vị hành chính cấp tỉnh;
- Hiện trạng sử dụng đất, biến động đất đai, chất lượng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất kỳ trước của tỉnh;
- Nhu cầu, khả năng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương; nguồn lực đầu tư công và các nguồn lực khác;
- Tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất.