06 Tiêu chí sáp nhập tỉnh, thành theo Quyết định 759 QĐ TTg 2025

06 Tiêu chí sáp nhập tỉnh, thành theo Quyết định 759 QĐ TTg 2025? Việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương phải bảo đảm các nguyên tắc gì?

Nội dung chính

06 Tiêu chí sáp nhập tỉnh, thành theo Quyết định 759 QĐ TTg 2025

Ngày 14 tháng 4 năm 2025, Chính phủ vừa ban hành Quyết định 759/QĐ-TTg năm 2025 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.

Căn cứ tại tiểu mục 3 Mục IV Phần thứ hai Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp ban hành kèm theo Quyết định 759/QĐ-TTg năm 2025 có quy định về 06 Tiêu chí sáp nhập tỉnh, thành:

Theo đó, 06 Tiêu chí sáp nhập tỉnh, thành theo Quyết định 759 QĐ TTg 2025 bao gồm:

(1) Diện tích tự nhiên

(2) Quy mô dân số

(3) Tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc.

(4) Tiêu chí về địa kinh tế

(5) Tiêu chí về địa chính trị

(6) Tiêu chí về quốc phòng, an ninh.

Căn cứ Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp ban hành kèm theo Quyết định 759/QĐ-TTg năm 2025 cụ thể 06 Tiêu chí sáp nhập tỉnh, thành như sau:

(1) Diện tích tự nhiên

Thực hiện sắp xếp đối với các ĐVHC có diện tích tự nhiên không đạt 100% tiêu chuẩn của ĐVHC cấp tỉnh quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15), cụ thể:

- Tỉnh thuộc khu vực miền núi, vùng cao: diện tích tự nhiên dưới 8.000 km²

- Tỉnh thuộc khu vực đồng bằng: diện tích tự nhiên dưới 5.000 km².

Tiêu chuẩn khi được áp dụng yếu tố đặc thù (ĐVHC nông thôn ở vùng Đồng bằng sông Hồng thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn diện tích tự nhiên bằng 70% mức quy định đối với ĐVHC nông thôn tương ứng): diện tích tự nhiên dưới 3.500 km².

- Thành phố trực thuộc trung ương: diện tích tự nhiên dưới 1.500 km².

(2) Quy mô dân số

Thực hiện sắp xếp đối với các ĐVHC có quy mô dân số không đạt 100% tiêu chuẩn của ĐVHC cấp tỉnh quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15), cụ thể:

- Tỉnh thuộc khu vực miền núi, vùng cao: quy mô dân số dưới 900.000 người;

Tiêu chuẩn khi được áp dụng yếu tố đặc thù: Tỉnh miền núi, vùng cao có 30% trở lên dân số là người dân tộc thiểu số thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy mô dân số bằng 50% mức quy định): quy mô dân số dưới 450.000 người.

- Tỉnh thuộc khu vực đồng bằng: quy mô dân số dưới 1.400.000 người;

Tiêu chuẩn khi được áp dụng yếu tố đặc thù: Tỉnh đồng bằng có biên giới quốc gia trên đất liền và có 30% trở lên dân số là người dân tộc thiểu số thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy mô dân số bằng 50% mức quy định): quy mô dân số dưới 700.000 người,

- Thành phố trực thuộc trung ương: quy mô dân số dưới 1.000.000 người.

Tiêu chuẩn khi được áp dụng đặc thù khi có đồng thời 02 yếu tố:

+ Có di sản văn hóa vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận;

+ Được xác định là trung tâm du lịch quốc tế trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy mô dân số bằng 50% mức quy định: dưới 500.000 người.

(3) Tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hoá, dân tộc: Đơn vị hành chính cấp tỉnh có yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hoá, dân tộc tương đồng, bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư; giữ gìn và phát huy văn hóa, lịch sử, dân tộc của mỗi địa phương.

(4) Tiêu chí về địa kinh tế: Đơn vị hành chính cấp tỉnh có vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế, quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau đề thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của ĐVHC sau sắp xếp.

(5) Tiêu chí về địa chính trị: Cân nhắc kỹ các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương và người dân.

(6) Tiêu chí về quốc phòng, an ninh: Việc sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đáo, quần đảo và vùng biên giới.

Trường hợp việc sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh đã phù hợp với định hưởng của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các tiêu chí của ĐVHC cấp tỉnh nêu trên thì không xem xét điều kiện và không đánh giá tiêu chuẩn khác theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

06 Tiêu chí sáp nhập tỉnh, thành theo Quyết định 759 QĐ TTg 2025

06 Tiêu chí sáp nhập tỉnh, thành theo Quyết định 759 QĐ TTg 2025 (Hình từ Internet)

Việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương phải bảo đảm các nguyên tắc gì?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 11 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 quy định về việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương phải bảo đảm các nguyên tắc như sau:

- Xác định rõ nội dung và phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương được quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả;

- Bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, giữa chính quyền địa phương các cấp và giữa các cơ quan, tổ chức thuộc chính quyền địa phương;

- Phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và khả năng, điều kiện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước cấp trên được bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó;

- Bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát quyền lực gắn với trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên; kịp thời điều chỉnh nội dung phân quyền, phân cấp khi cơ quan, tổ chức, cá nhân được phân quyền, phân cấp thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

- Bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật;

- Đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương; ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;

- Những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp huyện; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp tỉnh; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở trung ương, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội có quy định khác.

Chuyên viên pháp lý Trần Thị Mộng Nhi
saved-content
unsaved-content
104