03 đảo lớn nhất ở quần đảo Cô Tô là những đảo nào?

Chuyên viên pháp lý: Đỗ Trần Quỳnh Trang
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Đảo Cô Tô nằm ở tỉnh nào? 03 đảo lớn nhất ở quần đảo Cô Tô là những đảo nào?

Nội dung chính

    03 đảo lớn nhất ở quần đảo Cô Tô là những đảo nào?

    Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, huyện đảo Cô Tô có diện tích tự nhiên trên 47km2, dân số khoảng 6.700 người, với hơn 30 đảo lớn, nhỏ; trong đó, có 03 đảo lớn nhất sau đây: là Cô Tô, Thanh Lân và đảo Trần (còn gọi là đảo Chằn hay Chàng Tây).

    (1) Đảo Cô Tô: Đây là đảo chính và lớn nhất, nơi có trung tâm hành chính và dịch vụ du lịch phát triển

    Đảo Cô Tô Lớn nằm ở vị trí chiến lược, tiếp giáp với đảo Thanh Lân về phía Đông Bắc, vùng biển Vĩnh Thực và Cái Chiên về phía Bắc, vùng biển Vân Hải (Minh Châu - Quan Lạn) về phía Tây, biển Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) về phía Đông Nam, và hải phận quốc tế về phía Đông. Đảo cách Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn 35 km, Cẩm Phả 50 km, và đất liền 80 km.

    Cùng với huyện đảo Bạch Long Vĩ, đảo Cô Tô là một phần của chuỗi đảo ven bờ tạo thành ba cụm đảo theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, như "cánh cung sơn văn" bảo vệ đất liền. Cụm đảo Cô Tô - Long Châu giữ vị trí tiền tiêu và có trữ lượng sinh thái biển phong phú. 

    (2) Đảo Thanh Lân

    Thanh Lân là xã đảo thuộc quần đảo Cô Tô của tỉnh Quảng Ninh. Xã có diện tích 18,2 km2, là đảo lớn nhất nằm về phía Đông Bắc, cách trung tâm huyện đảo Cô Tô 4km đường biển.

    Trung tâm xã nằm ở giữa đường cong hình cánh cung địa phận, là một đảo lớn trong quần đảo Cô Tô, có vị trí quan trọng trong chiến lược quốc phòng - an ninh biển, đảo.

    Đảo Thanh Lân có rừng tự nhiên rộng khoảng 2.000 ha, bao gồm các cánh rừng nguyên sinh với trảng cỏ đẹp và các loại rừng đặc trưng như rừng chõi và rừng dứa. Địa hình đảo chủ yếu là đồi cao với sườn dốc bất đối xứng, xen kẽ đồng bằng. Bãi biển có cát dài, bằng phẳng với độ cao từ 2 - 6m và độ dốc từ 0 - 33 độ, phù hợp cho du lịch tắm biển.

    (3) Đảo Trần (còn gọi là đảo Chằn hay Chàng Tây)

    Đảo Trần, thuộc xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, có diện tích 4,43 km² và cách Móng Cái 35 km, Cô Tô 40 km về phía Đông Bắc.

    Mặc dù là hòn đảo nhỏ, đảo Trần có vị trí chiến lược quan trọng, nằm trong khu vực giao lưu kinh tế với Trung Quốc và là ngư trường truyền thống của ngư dân Bắc Bộ.

    Đảo Trần được chú trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo. Từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Đề án đưa người ra đảo, xây dựng đảo thành làng mới. Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển dân cư đảo Trần có tổng mức đầu tư 162,3 tỷ đồng, bắt đầu từ năm 2013.

    03 đảo lớn nhất ở quần đảo Cô Tô là những đảo nào? (hình từ internet)

    03 đảo lớn nhất ở quần đảo Cô Tô là những đảo nào? (hình từ internet)

    Yêu cầu đối với quản lý tài nguyên hải đảo bao gồm những gì? 

    Căn cứ Điều 39 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 11 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 quy định như sau: 

    - Tài nguyên hải đảo phải được quản lý thống nhất theo chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch không gian biển quốc gia, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và quy định tại Chương V Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015.

    - Hải đảo phải được điều tra cơ bản, đánh giá tổng thể, toàn diện về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường; thống kê, phân loại để lập hồ sơ và định hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

    - Bảo đảm hài hòa giữa nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và yêu cầu bảo tồn, phát triển và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.

    Việc khai thác, sử dụng tài nguyên trên đảo được quy định như thế nào?  

    Căn cứ Điều 41 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 quy định khai thác, sử dụng tài nguyên hải đảo như sau:

    (1) Việc khai thác, sử dụng tài nguyên đối với quần đảo, đảo được thực hiện như đối với việc khai thác, sử dụng tài nguyên trên đất liền theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 và pháp luật có liên quan.

    (2) Đối với quần đảo, đảo phải bảo vệ, bảo tồn, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 41 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015, nghiêm cấm các hoạt động sau đây:

    - Xây dựng mới công trình xây dựng; lắp đặt thiết bị;

    - Tác động làm thay đổi địa hình, địa mạo, chất lượng đất;

    - Khai thác, đào đắp, cải tạo đất, đá; khai thác khoáng sản, nước ngầm; mang những thành tạo tự nhiên ra khỏi quần đảo, đảo;

    - Khai hoang, chặt cây, xâm hại thảm thực vật; mang thực vật hoang dã ra khỏi quần đảo, đảo;

    - Săn bắt, mang động vật ra khỏi quần đảo, đảo; chăn thả gia súc, đưa sinh vật ngoại lai lên quần đảo, đảo;

    - Thải hoặc đưa chất thải lên quần đảo, đảo.

    (3) Việc khai thác, sử dụng tài nguyên đối với bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam cho phép thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    (4) Đối với bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 41 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015, nghiêm cấm các hoạt động sau đây:

    - Xây dựng mới công trình xây dựng; lắp đặt thiết bị;

    - Tác động làm thay đổi địa hình, địa mạo;

    - Khai hoang, khai thác, đào đắp, cải tạo đất, đá; khai thác khoáng sản; mang những thành tạo tự nhiên ra khỏi bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm;

    - Thải hoặc đưa chất thải lên bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm.

    (5) Các hoạt động quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 41 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 được phép thực hiện trong các trường hợp sau đây:

    - Phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh của Nhà nước Việt Nam; thực hiện công tác quản lý nhà nước;

    - Phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, điều tra, khảo sát, đánh giá về các điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; thực hiện chương trình, đề án, dự án của Nhà nước;

    - Phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn;

    - Các trường hợp khác được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

    saved-content
    unsaved-content
    769