Yêu cầu đối với hoạt động mở mới và nạo vét, khơi thông luồng, tuyến giao thông thủy thuộc vùng nước đường thủy nội địa là gì?
Nội dung chính
1. Yêu cầu đối với hoạt động mở mới và nạo vét, khơi thông luồng, tuyến giao thông thủy thuộc vùng nước đường thủy nội địa là gì?
Tại Điều 17 Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về yêu cầu đối với hoạt động mở mới và nạo vét, khơi thông luồng, tuyến giao thông thủy thuộc vùng nước đường thủy nội địa như sau:
Việc nạo vét, khơi thông luồng để mở mới, cải tạo, nâng cấp luồng, tuyến giao thông thủy nội địa (nạo vét cơ bản) phải tuân thủ các quy định của pháp luật về vùng nước đường thủy nội địa, các pháp luật khác có liên quan, đồng thời đáp ứng các yêu cầu chung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông quy định tại Điều 14 Nghị định này và phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
1. Phạm vi nạo vét luồng phải phù hợp với yêu cầu về chiều rộng, chiều sâu để bảo đảm cấp kỹ thuật của luồng chạy tàu, thuyền theo quy hoạch đã phê duyệt.
2. Trường hợp phạm vi cần nạo vét nằm sát phía bờ bị sạt, lở hoặc có nguy cơ sạt, lở thì phải xem xét, điều chỉnh luồng phù hợp để hạn chế nguy cơ sạt, lở bờ sông.
3. Trường hợp đang thực hiện việc nạo vét mà có hiện tượng sạt, lở bờ thì phải tạm dừng việc nạo vét, đồng thời báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có hoạt động nạo vét để kiểm tra, xác định nguyên nhân, mức độ tác động tới lòng, bờ bãi sông, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
4. Trường hợp nạo vét, khơi thông luồng có gắn với thu hồi sản phẩm nạo vét là cát, sỏi lòng sông; bảo trì kết hợp thu hồi sản phẩm là cát, sỏi lòng sông thì việc lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, pháp luật khác có liên quan; việc đăng ký khối lượng, phương pháp thu hồi sản phẩm nạo vét là cát, sỏi lòng sông được thực hiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản và quy định của Nghị định này. Tổ chức, cá nhân chỉ được phép nạo vét, khơi thông luồng theo thiết kế đã được phê duyệt.
2. Yêu cầu đối với hoạt động kè bờ, gia cố bờ sông, san, lấp, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông ra sao?
Tại Điều 18 Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về yêu cầu đối với hoạt động kè bờ, gia cố bờ sông, san, lấp, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông như sau:
Việc kè bờ, gia cố bờ sông, san, lấp, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông phải đáp ứng các yêu cầu chung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông quy định tại Điều 14 Nghị định này và đáp ứng các yêu cầu sau đây:
1. Bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, khả năng tiêu, thoát lũ, phòng chống xói lở lòng dẫn, bờ, bãi sông và phải có các biện pháp hạn chế tác động xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông ở khu vực lân cận phía thượng và hạ lưu.
2. Hạn chế tối đa việc lấn sông, thu hẹp không gian chứa, thoát lũ của sông. Trường hợp đặc biệt phải lấn sông để thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt, lở bờ sông, bảo đảm sự ổn định của bờ sông, các vùng đất ven sông hoặc các yêu cầu khác về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, thì phải gắn với các yêu cầu về chỉnh trị sông, cải tạo cảnh quan ven sông và phần diện tích sông bị lấn chỉ sử dụng cho các mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
3. Yêu cầu đối với hoạt động xây dựng công trình thủy về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông được quy định như thế nào?
Tại Điều 19 Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về yêu cầu đối với hoạt động xây dựng công trình thủy về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông như sau:
Hoạt động xây dựng công trình thủy phải đáp ứng các yêu cầu chung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông quy định tại Điều 14 Nghị định này, đồng thời phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
1. Không làm cản trở hoạt động của các phương tiện giao thông thủy trên sông, không làm giảm khả năng tiêu, thoát lũ.
2. Bảo đảm sự ổn định của bờ sông, không làm gia tăng nguy cơ xói, lở bờ sông.
Trân trọng!