10:48 - 11/11/2024

Xử lý pháp nhân thương mại phạm tội trốn thuế theo Bộ Luật hình sự 2015

Xử lý pháp nhân thương mại phạm tội trốn thuế như thế nào theo Bộ Luật hình sự 2015? Hiện nay tồn tại rất nhiều trường hợp các tổ chức kinh doanh né tránh nghĩa vụ thuế. Vì vậy, tôi có một thắc mắc nhỏ nhờ quý cơ quan giải đáp giúp tôi, cụ thể là: Hành vi pháp nhân thương mại trốn thuế sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của Luật mới này?

Nội dung chính

    Xử lý pháp nhân thương mại phạm tội trốn thuế theo Bộ Luật hình sự 2015

    Theo quy định tại Điều 200 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) thì:

    1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

    a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật;

    b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

    c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;

    d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;

    đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

    e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;

    g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

    h) Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa;

    i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.

    ...

    5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

    a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

    b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

    c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

    d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

    đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

    Dấu hiệu pháp lý của tội trốn thuế là: 

    Khách thể: Hành vi trốn thuế xâm phạm đến chế độ quản lý thuế của Nhà nước, cụ thể là hoạt động thu ngân sách nhà nước (dẫn đến thất thu ngân sách).

    Chủ thể: Là bất kỳ cá nhân, pháp nhân thương mại đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

    Mặt khách quan: Có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để không phải nộp tiền thuế hoặc để nộp tiền thuế ít hơn mức thuế phải nộp.

    Về định lượng số tiền trốn thuế phải từ một trăm triệu đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc dưới 100 triệu nhưng thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội mà luật này quy định.

    Mặt chủ quan: Người, pháp nhân phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.

    Hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội:

    Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản: Có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.

    Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản: Có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.

    Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

    Ngoài ra, Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

    Trên đây là nội dung tư vấn về hình phạt tội trốn thuế pháp nhân thương mại. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Bộ Luật hình sự 2015.

    362
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ