10:19 - 13/11/2024

Xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận bị xử phạt thế nào?

Đoạn đường trước cửa nhà em đang được làm lại do hỏng hóc, trong quá trình tu sửa nhà Thầu có dùng lu rung để làm nền đường. Trong khi đó tuyến đường nhà em là khu tái định cư, đã được san lấp (đất mượn) cũng đã đào móng kiên cố, nhưng do lực rung quá cao có làm nhà em bị nứt, xé tường từ tầng 4 xuống tầng 2. Em đã làm đơn gửi lên phường và cũng có người đến để xem xét hậu quả nhưng chưa nói đến cách khắc phục sau sự cố. Tính đến nay đã hơn 1 tháng nhưng không có tiến triển gì từ phía nhà Thầu hay chủ đầu tư, giờ em không biết phải làm sao.

Nội dung chính

    Xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận bị xử phạt thế nào?

    Theo thông tin bạn cung cấp thì việc nhà Thầu, chủ dự án đầu tư trong quá trình thực hiện dự án tu sửa đoạn đường, có dùng lu rung để làm nền đường dẫn tới nhà bạn bị nứt, xé tường từ tầng 4 xuống tầng 2 thì có trách nhiệm bồi thường và với hành vi vi phạm trên sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

    Điều 13. Vi phạm quy định về tổ chức thi công xây dựng

    2. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm các quy định về xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật như sau:

    a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản này;

    b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị;

    c) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.

    Đồng thời, Thông tư 02/2014/TT- BXD quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều Nghị định 121/2013. 

    Điều 3. Về xử lý công trình xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận, có nguy cơ làm sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận quy định tại khoản 2, 4 Điều 13; Khoản 2, 5 Điều 27 Nghị định 121/2013/NĐ-CP

    1. Tổ chức, cá nhân có hành vi tổ chức thi công xây dựng vi phạm quy định về xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận (bao gồm cả công trình hạ tầng kỹ thuật); có nguy cơ làm sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2, 4 Điều 13; Khoản 2, 5 Điều 27 Nghị định 121/2013/NĐ-CP, đồng thời bị ngừng thi công xây dựng để bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục như sau:

    a) Sau khi biên bản vi phạm hành chính được lập, nếu bên vi phạm và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được và một bên có đơn yêu cầu thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã chủ trì việc thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại giữa bên vi phạm và bên bị thiệt hại. Hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày thỏa thuận lần đầu không thành hoặc bên bị thiệt hại vắng mặt tại buổi thỏa thuận lần đầu mà không có lý do chính đáng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức thỏa thuận lần hai. Tại buổi thỏa thuận lần hai mà bên bị thiệt hại tiếp tục vắng mặt không có lý do chính đáng thì bên vi phạm được tiếp tục thi công xây dựng sau khi chuyển khoản tiền tương đương mức thiệt hại gây ra vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định mức tiền bảo lãnh căn cứ vào yêu cầu của bên bị thiệt hại, có xem xét đến đề nghị, giải trình của bên vi phạm;

    b) Trường hợp thỏa thuận lần hai không thành, hai bên thống nhất mời một tổ chức độc lập, có tư cách pháp nhân để xác định mức độ thiệt hại làm cơ sở bồi thường. Trong thời hạn 07 ngày mà hai bên không thống nhất được việc mời tổ chức để giám định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định mời một tổ chức để giám định, chi phí do bên vi phạm chi trả;

    c) Trong thời hạn 07 ngày mà một trong các bên không thống nhất với kết quả do tổ chức giám định đưa ra, bên đó có quyền mời một tổ chức khác và tự chi trả chi phí. Kết quả giám định này là căn cứ để xác định mức bồi thường. Trường hợp bên còn lại không thống nhất với kết quả lần hai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định mức bồi thường theo mức trung bình của kết quả giám định lần 1 và kết quả giám định lần 2;

    d) Sau 30 ngày mà tổ chức giám định không cung cấp kết quả giám định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định sử dụng kết quả giám định ban đầu làm cơ sở xác định bồi thường thiệt hại. Bên gây thiệt hại có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng và chuyển đầy đủ số tiền bồi thường theo kết quả giám định vào tài khoản đó. Sau khi bên gây thiệt hại đã chuyển đủ số tiền vào tài khoản tại ngân hàng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định cho phép tiếp tục thi công xây dựng công trình.

    2. Trường hợp bên bị thiệt hại không thống nhất với mức bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.

    3. Trường hợp bên gây thiệt hại không bị xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn áp dụng quy định tại các Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d và Điểm đ Khoản 1 Điều này để giải quyết việc bồi thường thiệt hại.

    Như vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình thì bước đầu tiên bạn sẽ thỏa thuận với bên chủ thầu về mức bồi thường. Nếu không thỏa thuận được thì làm đơn khiếu nại gửi trực tiếp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã để giải quyết. Trường hợp sau khi hòa giải, thương lượng mức bồi thường tại Uỷ ban xã mà vẫn không đồng ý với mức bồi thường thì thực hiện quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân để giải quyết.

    Trên đây là tư vấn về xử phạt khi xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 121/2013/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.

    Trân trọng!

    4