14:27 - 19/11/2024

Xác định giá trị thực tế các loại tài sản của doanh nghiệp được thực hiện như thế nào?

Tôi tên là Anh Khoa, sống tại Tp.HCM. Hiện nay tôi đang làm việc trong lĩnh vực doanh nghiệp. Tôi đang tìm kiếm một số nội dung pháp lý về việc cổ phần hóa. Nhờ Ban biên tập giải đáp giúp tôi: Xác định giá trị thực tế các loại tài sản của doanh nghiệp được thực hiện như thế nào? Văn bản nào quy định về vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời.

Nội dung chính

    Xác định giá trị thực tế các loại tài sản của doanh nghiệp được thực hiện như thế nào?

    Theo quy định tại Điều 18 Thông tư 127/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành thì: 

    Giá trị thực tế tài sản được xác định bằng đồng Việt Nam. Tài sản đã hạch toán bằng ngoại tệ được quy đổi thành đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

    1. Đối với tài sản là hiện vật:

    a) Chỉ đánh giá lại những tài sản mà công ty cổ phần tiếp tục sử dụng.

    b) Giá trị thực tế của tài sản bằng (=) Nguyên giá tính theo giá thị trường tại thời điểm tổ chức định giá nhân (x) Chất lượng còn lại của tài sản tại thời điểm định giá.

    Trong đó:

    - Giá thị trường là:

    Giá tài sản mới cùng loại đang mua, bán trên thị trường bao gồm cả chi phí vận chuyển lắp đặt (nếu có). Nếu là tài sản đặc thù không có trên thị trường thì giá mua tài sản được tính theo giá mua mới của tài sản tương đương, cùng nước sản xuất, có cùng công suất hoặc tính năng tương đương. Trường hợp không có tài sản tương đương thì tính theo giá tài sản ghi trên sổ kế toán.

    Đơn giá xây dựng cơ bản, suất đầu tư do cơ quan có thẩm quyền quy định tại thời điểm gần nhất với thời điểm định giá đối với tài sản là sản phẩm xây dựng cơ bản. Trường hợp chưa có quy định thì tính theo giá sổ sách, có xét thêm yếu tố trượt giá trong xây dựng cơ bản.

    Riêng đối với các công trình mới hoàn thành đầu tư xây dựng trong 03 năm trước khi xác định giá trị doanh nghiệp: sử dụng giá trị quyết toán công trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp cá biệt, công trình chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhưng đã đưa vào sử dụng thì tạm tính theo giá ghi trên sổ kế toán.

    - Chất lượng của tài sản được xác định bằng tỷ lệ phần trăm so với chất lượng của tài sản cùng loại mua sắm mới hoặc đầu tư xây dựng mới, phù hợp với các quy định của Nhà nước về điều kiện an toàn trong sử dụng, vận hành tài sản; đảm bảo chất lượng sản phẩm sản xuất; vệ sinh môi trường theo hướng dẫn của các Bộ quản lý ngành kinh tế kỹ thuật. Nếu chưa có quy định của Nhà nước thì chất lượng tài sản là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải được đánh giá lại không thấp hơn 20% so với chất lượng của tài sản cùng loại mua sắm mới; của nhà xưởng, vật kiến trúc không thấp hơn 30% so với chất lượng của tài sản cùng loại đầu tư xây dựng mới.

    c) Tài sản cố định đã khấu hao thu hồi đủ vốn; công cụ lao động, dụng cụ quản lý đã phân bổ hết giá trị vào chi phí kinh doanh nhưng công ty cổ phần tiếp tục sử dụng phải đánh giá lại để tính vào giá trị doanh nghiệp theo nguyên tắc không thấp hơn 20% giá trị tài sản, công cụ, dụng cụ mua mới.

    d) Đối với doanh nghiệp cổ phần hóa có tài sản hiện vật là vườn cây cao su, khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa thì giá trị vườn cây cao su được xác định theo quy định tại Thông tư số 132/2011/TT-BTC ngày 28/9/2011 của Bộ Tài chính.

    2. Tài sản bằng tiền gồm tiền mặt, tiền gửi và các giấy tờ có giá (tín phiếu, trái phiếu,...) của doanh nghiệp được xác định như sau:

    a) Tiền mặt được xác định theo biên bản kiểm quỹ.

    b) Tiền gửi được xác định theo số dư đã đối chiếu xác nhận với ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản.

    c) Các giấy tờ có giá được xác định theo giá giao dịch trên thị trường. Nếu không có giao dịch thì xác định theo mệnh giá của giấy tờ đó.

    3. Các khoản nợ phải thu tính vào giá trị doanh nghiệp được xác định theo số dư thực tế trên sổ kế toán và sau khi đối chiếu xử lý như quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư này.

    4. Các khoản chi phí dở dang về sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ bản, chi phí dở dang liên quan đến đền bù, giải tỏa, san lấp mặt bằng được xác định theo thực tế phát sinh hạch toán trên sổ kế toán.

    5. Giá trị tài sản ký cược, ký quỹ ngắn hạn và dài hạn được xác định theo số dư thực tế trên sổ kế toán đã được đối chiếu xác nhận.

    6. Giá trị tài sản vô hình (nếu có) được xác định theo giá trị còn lại đang hạch toán trên sổ kế toán.

    7. Giá trị lợi thế kinh doanh

    Giá trị lợi thế kinh doanh tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP gồm giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển được xác định như sau:

    a) Giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 5 năm, bao gồm chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty; xây dựng trang web....

    b) Giá trị tiềm năng phát triển được tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa là tiềm năng phát triển của doanh nghiệp được đánh giá trên cơ sở khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong tương lai khi so sánh tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp với lãi suất trái phiếu Chính phủ như sau:

    Giá trị tiềm năng phát triển

    =

    Giá trị phần vốn nhà nước theo sổ kế toán tại thời điểm định giá

    x

    Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân 3 năm trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp

    -

    Lãi suất của trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 5 năm do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm gần nhất với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp

    Trong đó:

    - Giá trị thực tế phần vốn nhà nước theo sổ kế toán tại thời điểm định giá (thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp) được xác định bằng giá trị doanh nghiệp theo sổ kế toán (là tổng giá trị tài sản thể hiện trong Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 17 Thông tư này) trừ các khoản nợ phải trả theo sổ kế toán tại thời điểm định giá.

    - Vốn chủ sở hữu được xác định bao gồm số dư: Nguồn vốn đầu tư của chủ sở hữu - tài khoản 411; Quỹ đầu tư phát triển - tài khoản 414 và Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản - tài khoản 441 theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/03/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc Ban hành chế độ kế toán doanh nghiệp. Việc xác định vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp cổ phần hóa là các tổ chức tín dụng theo hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

    - Tỷ suất lợi nhuận sau thuế xác định như sau:

    Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân 3 năm trước thời điểm xác địnhgiá trị doanh nghiệp

    =

    Lợi nhuận sau thuế bình quân 3 năm liền kề trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp

    x 100%

    Vốn chủ sở hữu theo sổ kế toán bình quân 3 năm liền kề trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp

    8. Giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp tại các doanh nghiệp khác được xác định theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. Trong đó:

    - Khi tổ chức xác định giá trị vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp khác để xác định giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp cổ phần hóa vào doanh nghiệp khác được loại trừ khoản lợi nhuận chưa phân phối (nếu có) dùng để trích lập các quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ thưởng ban điều hành, chia lợi nhuận cho thành viên góp vốn khi nghị quyết của Hội đồng thành viên, Đại hội cổ đông của doanh nghiệp khác đã có hiệu lực.

    - Phần lợi nhuận được chia từ doanh nghiệp khác cho doanh nghiệp cổ phần hóa (theo Nghị quyết của Hội đồng thành viên, Đại hội cổ đông của doanh nghiệp khác), doanh nghiệp cổ phần hóa hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

    - Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa có các khoản đầu tư ngắn hạn (các khoản đầu tư có thời hạn dưới một năm) tại doanh nghiệp khác thì việc xác định giá trị khoản đầu tư ngắn hạn của doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện như đối với các khoản đầu tư dài hạn.

    - Giá trị vốn góp của doanh nghiệp cổ phần hóa vào công ty cổ phần đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán được xác định theo giá đóng cửa của cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán tại thời điểm gần nhất với thời điểm tổ chức thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp. Đối với giá trị vốn góp vào công ty cổ phần chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thì căn cứ kết quả xác định của cơ quan tư vấn theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp xem xét trình cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp quyết định.

    9. Giá trị quyền sử dụng đất

    a) Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ.

    Giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa là giá đất cụ thể được quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định về giá đất.

    b) Đối với các doanh nghiệp đã hoàn thành việc cổ phần hóa hoặc đang thực hiện cổ phần hóa (đã được cấp có thẩm quyền công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa) trước ngày Nghị định số 189/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện giao đất, thuê đất và tính giá trị quyền sử dụng đất theo phương án đã được phê duyệt, không thực hiện điều chỉnh theo các quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 31 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 189/2013/NĐ-CP.

    10. Khi xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản, toàn bộ giá trị cấu thành nên tổng giá trị tài sản doanh nghiệp và được tính vào giá trị thực tế doanh nghiệp cổ phần hóa, thông qua việc mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển thành tài sản của công ty cổ phần được đầu tư bằng vốn của các cổ đông. Công ty cổ phần thực hiện trích khấu hao tính vào chi phí kinh doanh theo quy định hiện hành (đối với giá trị tài sản tăng thuộc tài sản cố định); các giá trị tài sản tăng khác tính vào trị doanh nghiệp cổ phần hóa: giá trị quyền sử dụng đất, giá trị lợi thế kinh doanh, doanh nghiệp được thực hiện phân bổ dần vào chi phí kinh doanh được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn không quá 10 năm kể từ khi doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển sang công ty cổ phần.

    Trên đây là nội dung tư vấn về xác định giá trị thực tế các loại tài sản của doanh nghiệp. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 127/2014/TT-BTC.

    79
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ