Việt Nam có bao nhiêu bản Hiến pháp? Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ
Nội dung chính
Việt Nam có bao nhiêu bản Hiến pháp?
Kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa được thành lập cho tới nay, nước ta đã ghi nhận 5 bản Hiến pháp, đó là:
- Hiến pháp 1946: Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946
- Hiến pháp 1959: Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1959
- Hiến pháp 1980: Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1980
- Hiến pháp 1992: Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992
- Hiến pháp 2013: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013.
Việt Nam ghi nhận bao nhiêu bản Hiến Pháp? Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ (Hình ảnh từ Internet)
Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ
(1) Hiến pháp 1946: Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946
Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bao gồm: Lời nói đầu, 07 chương cùng 70 điều.
Lời nói đầu xác định ba nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
- Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo.
- Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.
- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.
(2) Hiến pháp 1959: Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1959
Hiến pháp 1959 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ban hành và có hiệu lực trong cùng ngày 31/12/1959.
Hiến pháp 1956 gồm có Lời nói đầu, 10 chương, 112 điều. Đây là bản Hiến pháp xác nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Nhà nước Xã hội chủ nghĩa.
Nguyên nhân sửa đổi được đề cập trong Lời nói đầu: "Trong giai đoạn mới của cách mạng, Quốc hội ta cần sửa đổi bản Hiến pháp năm 1946 cho thích hợp với tình hình và nhiệm vụ mới".
"Giai đoạn mới của cách mạng" được đề cập đến là thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mỹ, Ngụy tại Miền Nam, Miền Bắc xây dựng phục hồi kinh tế, tiếp tục đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
(3) Hiến pháp 1980: Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1980
Hiến pháp lần nữa được sửa đổi vào năm 1980. Nguyên nhân được sửa đổi được đề cập trong Lời nói đầu: "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần có một bản Hiến pháp thể chế hóa đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới. Đó là Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp này tổng kết và xác định những thành quả đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam trong nửa thế kỷ qua, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, bảo đảm bước phát triển rực rỡ của xã hội Việt Nam trong thời gian tới".
Đây là thời kỳ nước ta tái thiết và xây dựng lại sau cuộc chiến dài.
Hiến pháp 1980 gồm Lời nói đầu, 6 chương, 147 điều.
(4) Hiến pháp 1992: Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992
Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung 2001 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới đất nước, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
(5) Hiến pháp 2013: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013
Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng là Hiến pháp hiện hành là bản Hiến pháp được Quốc hội Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua vào sáng ngày 28 tháng 11 năm 2013. Đến sáng ngày 8 tháng 12 năm 2013, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký Lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp, ngày 09 tháng 12 năm 2013, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Hiến pháp và Nghị quyết của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp. Hiến pháp 2013 tổng cộng có 11 Chương với 120 Điều trong đó nhấn mạnh tới vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hiến pháp hiện hành năm 2013 gồm lời mở đầu và 11 chương:
- Chương I: Chế độ chính trị
- Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
- Chương III: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường
- Chương IV: Bảo vệ Tổ quốc
- Chương V: Quốc hội
- Chương VI: Chủ tịch nước
- Chương VII: Chính phủ
- Chương VIII: Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân
- Chương IX: Chính quyền địa phương
- Chương X: Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước
- Chương XI: Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp
Hiệu lực pháp lý của Hiến pháp
Điều 119 Hiến Pháp 2013 - Hiến pháp hiện hành của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định rằng:
Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất.
Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.
Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.
Hiến Pháp chính là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, được coi là luật cơ bản. Mọi văn bản khác phải tuân theo tinh thần của hiến pháp, không được vi hiến (vi phạm Hiến pháp).