Viết giấy cam kết cho con thì có giá trị pháp lý không?
Nội dung chính
Viết giấy cam kết cho con thì có giá trị pháp lý không? Cuối tháng 10/2016 tôi có sinh con ngoài giá thú. Sau khi sinh con xong thì bố đúa trẻ cho một người khác tới phòng trọ của tôi và cho người ta mang con về nuôi. Vì hoang mang quá tôi không biết con mình đưa cho người phụ nữ kia là ai nên tôi đã báo công an phường để tìm lại đúa trẻ xem có bị bắt cóc không. Sau thời gian công an điều tra đã tìm được vào nhà phụ nữ kia và thông báo cho tôi biết đứa con của tôi là họ xin về nuôi chứ không phải buôn bán tre em. Vì hoàn cảnh vân là sinh viên chưa có việc làm và tôi van đang dấu bố mẹ chuyện mang thai và sinh con ngoài giá thú nên không có điều kiện để nuôi con tôi buộc phải viết giấy cam kết cho con và không đòi lại cho ủy ban xã nới người phụ nữ nhận nuôi con sinh sống và công an quận nơi gần phòng trọ của tôi. Tôi có ý nghĩ sau này tôi rất muốn đòi lại con, vay tôi có quyền gì đòi lại được đứa con ấy nữa không.
Viết giấy cam kết cho con thì có giá trị pháp lý không?
Theo bạn trình bày hiểu rằng bạn sinh con và đã cho con cho một người phụ nữ. Có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã nơi người phụ nữ kia sinh sống và công an quan nơi bạn sinh sống. Bạn muốn nhận lại con sau khi đã cho con. Trường hợp này của bạn cần phải xem xét đến trình tự, thủ tục bạn cho con nuôi có đúng theo quy định của pháp luật hay không.
Điều kiện về phía người nhận con nuôi:
Điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
- Có tư cách đạo đức tốt.
Điều kiện về phía người được nhận làm con nuôi và người cho con nuôi:
- Người được nhận làm con nuôi là trẻ em dưới 16 tuổi; hoặc từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
- Khi cha mẹ ly hôn, việc cho con nuôi chỉ được phép tiến hành khi:
+ Việc cho con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi;
+ Nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại;
+ Trường hợp nhận trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên làm con nuôi thì phải được sự đồng ý của trẻ em đó.
Hồ sơ, thủ tục cho con nuôi
Căn cứ Điều 17 Luật nuôi con nuôi 2010 và Điều 7 Nghị định 19/2011/NĐ-CP quy định:
+ Hồ sơ cho con nuôi:
- Đơn xin nhận con nuôi;
- Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
- Phiếu lý lịch tư pháp;
- Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp.
+ Thủ tục cho con nuôi:
- Người nhận con nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được nhận làm con nuôi tại Ủy ban nhân dân xã nơi người được nhận làm con nuôi thường trú.
- Trước khi đăng ký việc nuôi con nuôi, cán bộ tư pháp hộ tịch phải kiểm tra các nội dung : tính tự nguyện việc cho và nhận nuôi ; tư cách của người nhận nuôi con nuôi ; mục đích nhận con nuôi.
- Sau khi thấy đủ các điều kiện, cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã đăng ký việc nhận nuôi con nuôi. Khi đăng ký nuôi con nuôi, cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ phải có mặt. Cán bộ tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi và trao giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho các bên.
Như vậy, nếu trường hợp cho con nuôi không đúng theo trình tự, thủ tục trên thì việc cho con nuôi không đúng theo quy định của pháp luật. Do vậy, đứa trẻ vẫn là con của bạn và bạn và bố của đứa trẻ hoàn toàn có thể nhận lại đứa trẻ. Trường hợp việc cho con nuôi theo đúng trình tự, thủ tục trên thì kể từ ngày cho con nuôi bạn và bố của đứa trẻ không có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lí dịnh đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi, nếu như giữa người phụ nữ kia và bạn không có thỏa thuận gì khác theo Điều 24 Luật nuôi con nuôi 2010 theo quy định sau:
Hệ quả của việc nuôi con nuôi
1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi.
Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.
3. Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.
4. Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi”.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về giá trị của giấy cam kết. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật nuôi con nuôi 2010 để nắm rõ quy định này.