Việc giải quyết ly hôn của Tòa án khi người chồng có con riêng trong thời gian Tòa án đang giải quyết vụ án ly hôn của hai vợ chồng
Nội dung chính
Việc giải quyết ly hôn của Tòa án khi người chồng có con riêng trong thời gian Tòa án đang giải quyết vụ án ly hôn của hai vợ chồng
Về vấn đề này, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh giải quyết vấn đề ngoại tình trong quan hệ hôn nhân và cũng như trong thời gian Tòa án giải quyết ly hôn. Theo quy định pháp luật, Tòa án chỉ giải quyết cho ly hôn khi xét thấy tình trạng hôn nhân của hai vợ chồng đã ở mức độ trầm trọng, không thể tiếp tục chung sống và có yêu cầu ly hôn từ một bên hoặc cả hai cả vợ chồng.
Quy định về căn cứ cho ly hôn được áp dụng tại Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 như sau:
“Điều 89.Căn cứ cho ly hôn
1. Toà án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định cho ly hôn.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Toà án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Toà án giải quyết cho ly hôn”
Ngoài ra, theo khoản 8 Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì “ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng”. Do đó, khi chưa có quyết định của Tòa án về việc giải quyết ly hôn giữa hai vợ chồng thì quan hệ hôn nhân vẫn tồn tại, các đương sự vẫn được coi là người đang có vợ hoặc có chồng. Người đang có vợ hoặc có chồng mà quan hệ với người khác như vợ chồng và có con riêng là vi phạm qui định của Luật Hôn nhân và gia đình về chế độ một vợ, một chồng. Đây là trường hợp mà pháp luật cấm, nếu vi phạm thì trước hết bị xử phạt hành chính theo Nghị định 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Điều 8 củaNghị định 87/2001/NĐ_CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình về hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng:
“1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng;
c) Kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
d) Kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi;
đ) Kết hôn giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
e) Kết hôn giữa những người cùng giới tính.
2. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác:
Buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
Nếu đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hình sự theo qui định của Điều 147, Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội “Vi phạm chế độ một vợ, một chồng” với mức án từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù, cụ thể như sau:
“Khoản 1, Điều 147 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng có quy định:
“Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”.
Như vậy, tùy theo mức độ của hành vi, người sống chung với người khác như vợ chồng và có con riêng trong thời gian ly hôn vẫn có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.