15:38 - 13/11/2024

Vay tiền không trả được có bị khởi kiện không? Có phải là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không?

Trước kia khi bạn tôi đang có việc làm ổn định, đã vay tiền của công ty tài chính A, ký hợp đồng trả lãi trong vòng 4 năm. Sau khi trả lãi được 4 năm, bạn tôi thất nghiệp và không có khả năng chi trả. Tôi xin hỏi, trường hợp của bạn tôi có bị đưa ra tòa không? Nếu ra tòa thì bị xử phạt như thế nào? Đó có phải là tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không?

Nội dung chính

    Vay tiền không trả được có bị khởi kiện không? Có phải là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không?

    1. Khởi kiện và giải quyết tranh chấp tại tòa án

    Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định (Điều 471 Bộ luật Dân sự 2005).

    Khi giao kết hợp đồng vay tiền với công ty tài chính A, người bạn của bạn đã có các quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng; và các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Theo đó bạn đó có nghĩa vụ trả nợ của bên vay theo Điều 474 Bộ luật Dân sự:

    - Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

    - Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

    - Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

    - Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.

    - Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

    Khi người bạn của bạn không thể thực hiện được nghĩa vụ theo hợp đồng thì bạn đó có thể thương lượng, thỏa thuận với công ty A về việc hoãn thực hiện nghĩa vụ trả nợ, gia hạn trả nợ… Hai bên có thể tự thương lượng với nhau để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất, đảm bảo được quyền và lợi ích của hai bên. Tuy nhiên, nếu bạn đó không có khả năng trả nợ thì công ty A có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự quy định tại Điều 427 Bộ luật Dân sự là 02 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.

    Trong trường hợp, công ty A khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự thì bạn của bạn với tư cách là bị đơn, có các quyền, nghĩa vụ theo Điều 58 và Điều 60 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011.

    “Điều 58. Quyền, nghĩa vụ của đương sự

    1. Các đương sự có các quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng.

    2. Khi tham gia tố tụng, đương sự có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

    a) Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này;

    b) Cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

    c) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu trữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Tòa án;

    d) Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được hoặc đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá, thẩm định giá;

    đ) Được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập;

    e) Đề nghị Tòa án quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời;

    g) Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hòa giải do Tòa án tiến hành;

    h) Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình;

    i) Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

    k) Tham gia phiên toà;

    l) Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này;

    m) Tranh luận tại phiên tòa;

    n) Đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng;

    o) Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án khi được phép của Tòa án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi với người khác; được đối chất với nhau hoặc người làm chứng;

    p) Được cấp trích lục bản án, quyết định của Tòa án;

    q) Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành các quyết định của Tòa án trong thời gian giải quyết vụ án;

    r) Tôn trọng Tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên toà;

    s) Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ luật này;

    t) Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

    u) Nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và chi phí theo quy định của pháp luật;

    v) Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

    x) Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định của Bộ luật này;

    y) Các quyền, nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định.”

    “Điều 60. Quyền, nghĩa vụ của bị đơn

    1. Các quyền, nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 58 của Bộ luật này.

    2. Được Tòa án thông báo về việc bị khởi kiện.

    3. Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.

    4. Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn.”

    Khi tòa án giải quyết vụ tranh chấp dân sự giữa người bạn và công ty A thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Toà án tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hoà giải hoặc không tiến hành hoà giải được quy định tại Điều 181 và Điều 182 của Bộ luật này (Điều 180 Bộ luật Tố tụng dân sự).

    “Điều 181. Những vụ án dân sự không được hoà giải

    1. Yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.

    2. Những vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội”

    “Điều 182. Những vụ án dân sự không tiến hành hoà giải được

    1. Bị đơn đã được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.

    2. Đương sự không thể tham gia hoà giải được vì có lý do chính đáng.

    3. Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.”

    Việc hoà giải được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:

    - Tôn trọng sự tự nguyện thoả thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thoả thuận không phù hợp với ý chí của mình;

    - Nội dung thoả thuận giữa các đương sự không được trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.

    Trong trường hợp, công ty A và người bạn của bạn tự hòa giải và tự giải quyết được tranh chấp thì tòa án ra Quyết định công nhận sự tự thỏa thuận của các đương sự. Trường hợp, hai bên không tự hòa giải được thì tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Và đương nhiên, cho dù tự hòa giải hay tòa án giải quyết thì bạn của bạn vẫn luôn luôn phải thực hiện nghĩa vụ dân sự là nghĩa vụ trả nợ đối với công ty A theo hợp đồng đã giao kết và theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác) vì đây là trách nhiệm dân sự mà bạn đó phải gánh chịu do vi phạm nghĩa vụ dân sự.

    Cụ thể, Điều 302 Bộ luật Dân sự quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự như sau:

    - Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

    - Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

    - Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.

    Ngoài ra, bạn đó còn có thể chịutrách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 307 Bộ luật Dân sự:

    - Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.

    - Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

    - Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.

    2. Hành vi của A có phải là tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không.

    Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

    Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2009) như sau: Khoản 1: Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

    a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

    b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

    Khoản 2,3,4,5 Điều 140 Bộ luật Hình sự còn quy định về các tình tiết định khung tăng nặng và hình phạt bổ sung.

    Đối chiếu với quy định nêu trên, để khởi tố A về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì phải thỏa mãn các dấu hiệu của tội phạm như (dưới đây chỉ nêu 2 dấu hiệu chủ thể và khách thể):

    a. Dấu hiệu về chủ thể.

    A phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

    - Về tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12 Bộ luật Hình sự):
    Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
    Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
    - A không thuộc trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự theo Điều 13 Bộ luật Hình sự:
    Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
    Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
    b. Dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm.
    * Hành vi khách quan:
    - Việc chuyển giao tài sản từ người bị hại sang người phạm tội xuất phát từ hợp đồng hợp pháp (vay, mượn, thuê …).
    - Sau khi nhận được tài sản, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản mà mình đang quản lý hoặc sử dụng vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Nếu không dùng thủ đoạn gian dối như vậy, nhưng sau khi đã nhận tài sản rồi bỏ trốn với ý thức không thanh toán, không trả lại tài sản thì cũng được coi là hành vi chiếm đoạt tài sản.
    * Hậu quả: Số tiền chiếm đoạt theo Điều 140 Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
    Ngoài những dấu hiệu nêu trên thì khi xác định A có phạm tội theo Điều 140 Bộ luật Hình sự hay không, phải xác định hành vi đó có thỏa mãn những dấu hiệu khác không, như: dấu hiệu về khách thể, dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm. Việc xác định này sẽ do cơ quan có thẩm quyền tiến hành theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

    11