10:42 - 09/11/2024

Tự tử có được bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp mai táng?

Tự tử có được bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp mai táng? Mức hưởng trợ cấp mai táng hiện nay là bao nhiêu? Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có được hưởng trợ cấp mai táng hay không?
Chào anh chị, cho tôi hỏi thời gian gần đây nhiều người vì thua lỗ cá độ, cờ bạc nên tự tử rất nhiều. Vậy trong trường hợp người này có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì có được chi trả trợ cấp mai táng theo quy định hay không?

Nội dung chính

    1. Tự tử có được bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp mai táng?

    Tại Khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về trợ cấp mai táng như sau:

    1. Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng:

    a) Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên;

    b) Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

    c) Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.

    Căn cứ theo quy định hiện hành, trong trường hợp người tự tử có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 12 tháng trở lên hoặc người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc thì người lo mai táng có thể được nhận trợ cấp mai táng.

    2. Mức hưởng trợ cấp mai táng hiện nay là bao nhiêu?

    Tại Khoản 2 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về mức hưởng trợ cấp mai táng như sau:

    2. Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều này chết.

    Tại Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP có quy định về mức lương cơ sở như sau:

    1. Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:

    a) Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;

    b) Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;

    c) Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

    2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.

    3. Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh mức lương cơ sở phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.

    Theo đó, mức trợ cấp mai táng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định hiện hành là 10 lần mức lương cơ sở, tương ứng với 14.900.000 đồng.

    3. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có được hưởng trợ cấp mai táng hay không?

    Tại Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về các chế độ bảo hiểm xã hội như sau:

    1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:

    a) Ốm đau;

    b) Thai sản;

    c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

    d) Hưu trí;

    đ) Tử tuất.

    2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:

    a) Hưu trí;

    b) Tử tuất.

    3. Bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định.

    Tại Điều 80 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về trợ cấp mai táng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:

    1. Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng:

    a) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 60 tháng trở lên;

    b) Người đang hưởng lương hưu.

    2. Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều này chết.

    3. Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều này bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp quy định tại khoản 2 Điều này.

    Như vậy, người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp mai táng. Nếu đáp ứng đủ các điều kiện được liệt kê trên thì sẽ được trợ cấp.

    Trân trọng!

    19