15:32 - 14/09/2024

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm như thế nào khi kết thúc tiến hành thanh tra trực tiếp?

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm như thế nào khi kết thúc tiến hành thanh tra trực tiếp? Báo cáo kết quả thanh tra được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra khi kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp?

    Tại Điều 72 Luật Thanh tra 2022 có quy định về trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra khi kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp như sau:

    Khi kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp tại nơi được thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định thanh tra và thông báo bằng văn bản cho đối tượng thanh tra biết; trường hợp cần thiết thì tổ chức buổi làm việc với đối tượng thanh tra để thông báo kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp.

    Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm như thế nào khi kết thúc tiến hành thanh tra trực tiếp? (Hình từ Internet)

    Báo cáo kết quả thanh tra được quy định như thế nào?

    Tại Điều 73 Luật Thanh tra 2022 có quy định về báo cáo kết quả thanh tra như sau:

    - Sau khi kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng báo cáo kết quả thanh tra gửi đến người ra quyết định thanh tra. Báo cáo kết quả thanh tra phải có các nội dung sau đây:

    + Kết luận cụ thể về từng nội dung đã tiến hành thanh tra;

    + Xác định rõ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm; nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật (nếu có);

    + Ý kiến khác nhau (nếu có) giữa thành viên khác của Đoàn thanh tra với Trưởng đoàn thanh tra về nội dung báo cáo kết quả thanh tra;

    + Biện pháp xử lý đã được áp dụng và kiến nghị giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả (nếu có).

    - Trường hợp qua thanh tra phát hiện có hành vi tham nhũng, tiêu cực thì trong báo cáo kết quả thanh tra còn phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực theo các mức độ sau đây:

    + Yếu kém về năng lực quản lý;

    + Thiếu trách nhiệm trong quản lý;

    + Bao che cho người có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

    - Báo cáo kết quả thanh tra phải nêu rõ quy định của pháp luật làm căn cứ để xác định tính chất, mức độ vi phạm, kiến nghị giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả.

    - Thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra được tính từ ngày Đoàn thanh tra kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp và được quy định như sau:

    + Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành, thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày;

    + Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh tiến hành, thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra không quá 20 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày;

    + Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành, thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra không quá 15 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày.

    Xây dựng dự thảo kết luận thanh tra được quy định như thế nào?

    Tại Điều 75 Luật Thanh tra 2022 có quy định về xây dựng dự thảo kết luận thanh tra như sau:

    - Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra giao Trưởng đoàn thanh tra xây dựng dự thảo kết luận thanh tra. Dự thảo kết luận thanh tra bao gồm các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 78 của Luật này.

    - Trong quá trình xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra báo cáo, yêu cầu đối tượng thanh tra hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan giải trình, làm rõ thêm những vấn đề dự kiến kết luận về nội dung thanh tra.

    - Việc giải trình phải thực hiện bằng văn bản kèm theo thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho nội dung giải trình. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất với người ra quyết định thanh tra xử lý nội dung giải trình của đối tượng thanh tra.

    - Dự thảo kết luận thanh tra được gửi đến thành viên khác của Đoàn thanh tra để tham gia ý kiến trước khi trình người ra quyết định thanh tra.

    Thành viên khác của Đoàn thanh tra có quyền bảo lưu ý kiến về nội dung dự thảo kết luận thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có quyền bảo lưu ý kiến về nội dung trong kết luận thanh tra trước người ra quyết định thanh tra. Ý kiến bảo lưu được thể hiện bằng văn bản gửi kèm theo dự thảo kết luận thanh tra.

    - Thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra được tính từ ngày người ra quyết định thanh tra giao xây dựng dự thảo kết luận thanh tra và được quy định như sau:

    + Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành, thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày;

    + Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh tiến hành, thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra không quá 20 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày;

    + Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành, thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra không quá 15 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày.

    2