17:47 - 19/11/2024

Trách nhiệm của các bộ phận thuộc Ngân hàng Nhà nước trong việc tổ chức tiếp công dân

Trách nhiệm của các bộ phận thuộc Ngân hàng Nhà nước trong việc tổ chức tiếp công dân được quy định như thế nào? Gần đây, do nhu cầu công việc, tôi có tìm hiểu về công tác tiếp công dân tại các cơ quan chủ quản cấp trên. Trong đó, một vài vấn đề thắc mắc tôi mong được giải đáp. Cho tôi hỏi, đối với công tác tiếp công dân của Ngân hàng Nhà nước, các bộ phận có trách nhiệm ra sao? Có văn bản nào quy định vấn đề này hay không?

Nội dung chính

    Trách nhiệm của các bộ phận thuộc Ngân hàng Nhà nước trong việc tổ chức tiếp công dân

    Trách nhiệm của các bộ phận thuộc Ngân hàng Nhà nước trong việc tổ chức tiếp công dân được quy định từ Điều 30 đến Điều 34 Quy chế làm việc của Ngân hàng nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 2805/QĐ-NHNN năm 2014 như sau:

    Điều 30. Trách nhiệm của Thống đốc

    1. Thống đốc có lịch tiếp công dân và tùy theo yêu cầu công việc để bố trí số lần tiếp dân trong tháng. Thống đốc có thể ủy nhiệm cho Phó Thống đốc tiếp công dân nhưng mỗi tháng Thống đốc bố trí thời gian để trực tiếp tiếp công dân ít nhất 01 ngày. Ngoài ra, Thống đốc tiếp công dân trong những trường hợp đột xuất theo quy định tại Nghị định 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật tiếp công dân.

    2. Chỉ đạo Thủ trưởng cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng, Chánh Văn phòng và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước phối hợp thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ tiếp dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; kịp thời giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo; trân trọng lắng nghe ý kiến của công dân để cải tiến, nâng cao hiệu quả công tác.

    Điều 31. Trách nhiệm của Văn phòng và Cục Quản trị

    1. Văn phòng bố trí lịch để Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp công dân hàng tháng theo quy định của pháp luật và đề nghị của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

    2. Cục Quản trị bố trí phòng và các điều kiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác tiếp công dân tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước; chỉ dẫn, tiếp đón công dân theo đúng quy định; thông báo kịp thời cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng khi có công dân đến yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo.

    Điều 32. Trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

    1. Bố trí cán bộ thường trực tiếp công dân tại phòng tiếp công dân của Ngân hàng Nhà nước. Việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân.

    2. Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị có liên quan cử cán bộ có thẩm quyền cùng tham gia tiếp công dân tại phòng tiếp công dân khi cần thiết.

    3. Hướng dẫn, trả lời việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

    4. Chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp công dân.

    5. Thực hiện chế độ báo cáo với Thống đốc và Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác tiếp công dân.

    Điều 33. Trách nhiệm của Giám đốc Chi nhánh, Trưởng Văn phòng đại diện

    1. Hướng dẫn trả lời việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân liên quan đến hoạt động ngân hàng.

    2. Bố trí phòng tiếp công dân theo quy định. Giám đốc Chi nhánh, Trưởng Văn phòng đại diện phải trực tiếp tiếp công dân khi có yêu cầu khẩn cấp.

    3. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất với Thống đốc về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại đơn vị.

    Điều 34. Trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị khác thuộc Ngân hàng Nhà nước

    1. Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm phối hợp với Thủ trưởng cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng trong việc tiếp công dân, xử lý các khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân.

    2. Cử cán bộ có chuyên môn theo đúng yêu cầu của Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng để cùng phối hợp tiếp công dân tại phòng tiếp công dân; cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra xử lý các vụ việc cụ thể theo chỉ đạo của Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và yêu cầu của Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng.

    2