Thực hành tại nhiều cơ sở dược khác nhau có được tính để cấp chứng chỉ hành nghề dược không?
Nội dung chính
Thực hành tại nhiều cơ sở dược khác nhau thì có được tính thời gian thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề dược không?
Tại Khoản 2 Điều 13 Luật Dược 2016 quy định như sau:
2. Có thời gian thực hành tại cơ sở kinh doanh dược, bộ phận dược của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trường đào tạo chuyên ngành dược, cơ sở nghiên cứu dược, cơ sở kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc, cơ quan quản lý về dược hoặc văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực dược tại Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ sở dược); cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với chuyên môn của người hành nghề theo quy định sau đây:
a) Đối với người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược theo quy định tại khoản 9 Điều 28 của Luật này thì không yêu cầu thời gian thực hành nhưng phải cập nhật kiến thức chuyên môn về dược;
b) Đối với người có trình độ chuyên khoa sau đại học phù hợp với phạm vi hành nghề thì được giảm thời gian thực hành theo quy định của Chính phủ;
c) Đối với người có văn bằng chuyên môn quy định tại điểm l khoản 1 Điều 13 của Luật này thì thời gian thực hành theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đồng thời, Điểm d và Điểm đ Khoản 1 Điều 3 Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định như sau:
d) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy xác nhận thời gian thực hành theo quy định tại Mẫu số 03 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp thực hành tại nhiều cơ sở, thời gian thực hành được tính là tổng thời gian thực hành tại các cơ sở nhưng phải có Giấy xác nhận thời gian thực hành của từng cơ sở đó;
đ) Trường hợp đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược với phạm vi hoạt động khác nhau và yêu cầu thời gian thực hành, cơ sở thực hành chuyên môn khác nhau thì hồ sơ phải có Giấy xác nhận thời gian thực hành chuyên môn và nội dung thực hành chuyên môn của một hoặc một số cơ sở đáp ứng yêu cầu của mỗi phạm vi, vị trí hành nghề. Trường hợp các phạm vi hoạt động chuyên môn có cùng yêu cầu về thời gian thực hành và cơ sở thực hành chuyên môn thì không yêu cầu phải có Giấy xác nhận riêng đối với từng phạm vi hoạt động chuyên môn;
Căn cứ vào các quy định trên, thời gian được xác định là thời gian thực hành chuyên môn dược là tổng các khoảng thời gian thực hành tại một hay nhiều cơ sở dược.
Đối với trường hợp của bạn, nếu trước khi ký hợp đồng vào làm việc tại công ty B, bạn đã có khoảng thời gian thực hành tại công ty dược khác, thì khoảng thời gian thực hành đó sẽ vẫn được tính vào thời gian được xem là thực hành chuyên môn dược.
Thực hành tại nhiều cơ sở dược khác nhau có được tính để cấp chứng chỉ hành nghề dược không? (Hình Internet)
Có chứng chỉ hành nghề Dược nhưng không mở tiệm thuốc tây có bị thu hồi chứng chỉ không?
Theo Điều 28 Luật Dược 2016 quy định các trường hợp thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược, theo đó:
1. Chứng chỉ hành nghề dược được cấp không đúng thẩm quyền.
2. Người được cấp Chứng chỉ hành nghề dược đề nghị thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược của mình.
3. Chứng chỉ hành nghề dược bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp Chứng chỉ hành nghề dược.
4. Giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược.
5. Cá nhân có từ 02 Chứng chỉ hành nghề dược trở lên.
6. Người có chứng chỉ hành nghề cho thuê, cho mượn, thuê, mượn hoặc cho người khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề dược.
7. Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề dược không đáp ứng một trong các điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề dược quy định tại Điều 13 hoặc khoản 2 Điều 14 của Luật này.
8. Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề dược mà không hành nghề trong thời gian 12 tháng liên tục.
9. Người hành nghề dược không có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề dược hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất.
10. Vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề dược gây hậu quả đến tính mạng hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
11. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước Chứng chỉ hành nghề dược từ 02 lần trở lên đối với một hành vi vi phạm.
Theo đó, chứng chỉ hành nghề dược sẽ bị thu hồi khi người được cấp chứng chỉ không hành nghề trong 12 tháng liên tục. Còn việc không mở tiệm thuốc tây nhưng vẫn hoạt động trong nghề dược như đi bán thuốc ở tiệm thuốc khác thì chứng chỉ hành nghề dược của bạn sẽ không bị thu hồi.
3. Cá nhân hành nghề dược được cấp bao nhiêu Chứng chỉ hành nghề và có thời hạn hay không?
Căn cứ Khoản 1 Điều 29 Luật Dược 2016 quy định quản lý Chứng chỉ hành nghề dược, theo đó:
1. Mỗi cá nhân chỉ được cấp một Chứng chỉ hành nghề dược. Trên Chứng chỉ hành nghề dược ghi đầy đủ phạm vi hành nghề mà người có Chứng chỉ hành nghề dược đáp ứng điều kiện và được phép hành nghề. Chứng chỉ hành nghề dược không quy định thời hạn hiệu lực và có giá trị trong phạm vi cả nước.
Chứng chỉ hành nghề dược hết hiệu lực khi người hành nghề chết hoặc mất tích theo quyết định, bản án của Tòa án hoặc không có giấy xác nhận hoàn thành đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề dược hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất.
Với quy định này thì cá nhân sẽ chỉ được cấp một Chứng chỉ hành nghề Dược và chứng chỉ này không có quy định nào về thời hạn hiệu lực nên bạn sẽ không cần phải lo lắng là Chứng chỉ này sẽ hết hiệu lực.