08:07 - 12/11/2024

Thừa kế quyền sử dụng đất và thời hiệu khởi kiện được quy định như thế nào?

Thừa kế quyền sử dụng đất và thời hiệu khởi kiện được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Thừa kế quyền sử dụng đất và thời hiệu khởi kiện được quy định như thế nào?

    1. Về điều kiện để lại thừa kế: 
    Theo quy định của pháp luật dân sự, di sản gồm có tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Quyền sử dụng đất cũng thuộc di sản thừa kế và được để lại thừa kế theo quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa là tài sản thừa kế phải là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của người để lại thừa kế (đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì phải đăng ký). Do mảnh đất này ông nội bạn không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nên không được để lại thừa kế, trừ trường hợp ông nội bạn có những giấy tờ hợp lệ thay thế theo quy định của pháp luật.
    2. Về hiệu lực của di chúc miệng:
    Theo thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng trước khi qua đời, ông nội để lại di chúc miệng. Liên quan đến di chúc miệng, quy định của pháp luật dân sự như sau: Trong trường hợp tính mạng của một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước ít nhất là hai người làm chứng và ngày sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. 
    Như vậy, bạn phải xem xét lại điều kiện, hoàn cảnh lúc ông nội bạn lập di chúc xem có thoả mãn yêu cầu pháp luật quy định hay không. Đồng thời, di chúc miệng phải tuân theo các điều kiện hợp pháp của di chúc:
    - Người lập di chúc sáng suốt, minh mẫn khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép;
    - Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
    3. Về thẩm quyền thu hồi đất:
    Theo quy định của pháp luật đất đai trong những trường hợp cần thiết và pháp luật có quy định thì Nhà nước có quyền thu hồi một phần hoặc toàn bộ phần đất đã giao. Thu hồi đất thực chất là một cách chấm dứt quan hệ pháp luật về sử dụng đất đai giữa một bên là các nhân, cơ quan, tổ chức sử dụng đất và một bên là nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu đất đai. Các trường hợp thu hồi đất gồm:
    - Nhà nước sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế;
    - Tổ chức được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;
    - Sử dụng đất không đúng mục đích, sử dụng đất không có hiệu quả;
    - Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;
    - Đất được giao không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền;
    - Đất bị lấn, chiếm trong các trường hợp: đất chưa sử dụng bị lấn, chiếm; đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lẫn, chiếm;
    - Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;
    - Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất;
    - Người sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước;
    - Đất được nhà nước giao, cho thuê có thời hạn mà không được gia hạn khi hết thời hạn;
    - Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liền;
    - Đất được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép.
    Như vậy, khi có một trong các trường hợp nêu trên thì nhà nước hoàn toàn có quyền thu hồi đất. Tuy nhiên, UBND xã không có thẩm quyền thu hồi đất, mà thẩm quyền này tùy từng trường hợp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
    4. Việc kiện đòi chia thừa kế:
    Do mảnh đất đó chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chú Tòa án sẽ không thụ lý đơn của chú bạn. Mặt khác, theo quy định của Bộ luật Dân sự, thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Như vậy, dù yêu cầu của chú bạn có hợp lý thì cũng không có cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét giải quyết do thời hiệu khởi kiên chia thừa kế đã hết.

    3