11:21 - 13/11/2024

Thù lao của Trợ giúp viên pháp lý khi tham gia tố tụng là bao nhiêu?

Thù lao của Trợ giúp viên pháp lý khi tham gia tố tụng là bao nhiêu? Ngoài tiền thù lao tham gia tố tụng thì Trợ giúp viên pháp lý còn được nhận các chi phí nào khác? Trợ giúp viên pháp lý có những chế độ, chính sách nào?

Nội dung chính

    Thù lao của Trợ giúp viên pháp lý khi tham gia tố tụng là bao nhiêu?

    Tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 144/2017/NĐ-CP quy định về thù lao, bồi dưỡng và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:

    1. Khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm được hưởng thù lao theo buổi làm việc (1/2 ngày làm việc) là 0,38 mức lương cơ sở/01 buổi làm việc nhưng tối đa không quá 30 buổi làm việc/01 vụ việc hoặc theo hình thức khoán chi vụ việc với mức tối thiểu bằng 03 mức lương cơ sở/01 vụ việc và mức tối đa không quá 10 mức lương cơ sở/01 vụ việc (căn cứ vào tính chất phức tạp, yêu cầu tố tụng và nội dung của từng vụ việc cụ thể).

    Khi áp dụng việc thanh toán thù lao theo buổi làm việc, thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ việc, thời gian gặp gỡ, thời gian chuẩn bị các tài liệu, luận cứ bào chữa, bảo vệ và thời gian thực hiện các công việc hợp lý khác tối đa không quá số buổi trả để thực hiện các công việc này áp dụng theo khoán chi vụ việc.

    Như vậy, khi bạn là Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng thì bạn sẽ nhận thù lao theo buổi làm việc là 0,38 mức lương cơ sở/01 buổi làm việc nhưng tối đa không quá 30 buổi làm việc/01 vụ việc hoặc theo hình thức khoán chi vụ việc với mức tối thiểu bằng 03 mức lương cơ sở/01 vụ việc và mức tối đa không quá 10 mức lương cơ sở/01 vụ việc theo quy định của pháp luật.

    Ngoài tiền thù lao tham gia tố tụng thì Trợ giúp viên pháp lý còn được nhận các chi phí nào khác?

    Tại khoản 5 Điều 13 Nghị định 144/2017/NĐ-CP quy định về thù lao, bồi dưỡng và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:

    5. Ngoài thù lao, bồi dưỡng vụ việc quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, khi thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng cần có thời gian thu thập chứng cứ hoặc xác minh làm rõ vụ việc, người thực hiện trợ giúp pháp lý còn được thanh toán chi phí phát sinh thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý như sau:

    a) Các khoản phí phải nộp theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và các chi phí hành chính khác phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý;

    Căn cứ để xác định chi phí hợp lý là biên lai thu phí, lệ phí, hóa đơn tài chính hoặc giấy biên nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tài chính.

    b) Trong trường hợp đi công tác phục vụ giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý thì người thực hiện trợ giúp pháp lý được thanh toán theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí như đối với cán bộ, công chức, viên chức đi công tác.

    Theo đó, ngoài tiền thù lao mà bạn nhận được khi tham gia quá trình tố tụng thì bạn còn được nhận các chi phí khác theo quy định nêu trên.

    Trợ giúp viên pháp lý có những chế độ, chính sách nào?

    Tại Điều 11 Nghị định 144/2017/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đối với Trợ giúp viên pháp lý như sau:

    1. Trợ giúp viên pháp lý có các chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định của pháp luật.

    2. Trợ giúp viên pháp lý được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 25% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp vượt khung (nếu có).

    3. Trợ giúp viên pháp lý được cấp trang phục riêng theo tiêu chuẩn, niên hạn sau đây:

    a) Quần áo vest: cấp 02 năm/01 lần, lần đầu được cấp 02 bộ, các lần sau mỗi lần 01 bộ;

    b) Áo sơ mi dài tay: cấp hàng năm, lần đầu được cấp 02 cái, các lần sau mỗi lần 01 cái;

    c) Quần áo xuân hè: cấp hàng năm, lần đầu được cấp 02 bộ, các lần sau mỗi lần 01 bộ;

    d) Giầy da: 01 đôi/01 năm;

    đ) Dép quai hậu: 01 đôi/01 năm;

    e) Thắt lưng: 01 cái/02 năm;

    g) Cà vạt: 01 cái/02 năm;

    h) Bít tất: 02 đôi/01 lần/01 năm;

    i) Cặp đựng tài liệu: 01 cái/02 năm;

    k) Biển hiệu: 01 cái (cấp 01 lần).

    Mẫu trang phục, việc quản lý, cấp phát và sử dụng trang phục thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

    Trên đây là chế độ, chính sách đối với Trợ giúp viên pháp lý theo quy định của pháp luật.

    Trân trọng!

    282
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ