Thông tư 74/2024 quy định về chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thế nào?
Nội dung chính
Thông tư 74/2024 quy định về chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thế nào?
Ngày 31/10/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 74/2024/TT-BTC quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hướng dẫn việc kê khai, báo cáo về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Cụ thể, Thông tư 74/2024/TT-BTC quy định chế độ quản lý, tính hao mòn đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là tài sản cố định và hướng dẫn việc kê khai, báo cáo về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Nhà nước đầu tư, quản lý. Tuy nhiên, không điều chỉnh đối với các trường hợp:
- Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 44/2024/NĐ-CP.
- Xác định tuổi thọ tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo, mở rộng, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
- Xác định giá trị tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để: Làm giá chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản, cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản; xử lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tham gia trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Về đối tượng áp dụng, Thông tư 74/2024/TT-BTC áp dụng với những đối tượng sau đây:
- Cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ gồm: Bộ Giao thông vận tải; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).
- Cơ quan quản lý đường bộ, gồm: Cơ quan quản lý đường bộ ở trung ương, cơ quan quản lý đường bộ cấp tỉnh, cơ quan quản lý đường bộ cấp huyện và cơ quan quản lý đường bộ cấp xã quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 44/2024/NĐ-CP.
- Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi là cơ quan quản lý tài sản), gồm: Cơ quan quản lý tài sản ở trung ương, cơ quan quản lý tài sản cấp tỉnh, cơ quan quản lý tài sản cấp huyện và cơ quan quản lý tài sản cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 44/2024/NĐ-CP.
- Tổ chức, đơn vị trực tiếp thực hiện kế toán, quản lý, lưu trữ hồ sơ, báo cáo kê khai, đăng nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 44/2024/NĐ-CP.
- Các đối tượng khác liên quan đến việc quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và kê khai, báo cáo về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Thông tư 74/2024 quy định về chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thế nào? (Hình từ internet)
Tiêu chuẩn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ xác định là tài sản cố định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 4 Thông tư 74/2024/TT-BTC quy định về tiêu chuẩn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ xác định là tài sản cố định như sau:
- Xác định tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ:
+ Tài sản sử dụng độc lập được xác định là một tài sản.
+ Một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào trong đó thì cả hệ thống không thể hoạt động được thì hệ thống đó được xác định là một tài sản.
+ Trường hợp một hệ thống được giao cho nhiều cơ quan quản lý thì phần tài sản được giao cho từng cơ quan là một tài sản.
- Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nêu trên được xác định là tài sản cố định khi thỏa mãn đồng thời 02 tiêu chuẩn sau đây:
+ Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên.
+ Có nguyên giá từ 10 triệu đồng trở lên.
Thẩm quyền quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện nay được quy định thế nào?
Căn cứ tại Điều 6 Nghị định 44/2024/NĐ-CP có quy định về thẩm quyền quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau:
- Thủ tướng Chính phủ quyết định giao đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định giao đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc trung ương quản lý cho cơ quan quản lý tài sản ở trung ương, trừ tài sản quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 44/2024/NĐ-CP.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc địa phương quản lý cho cơ quan quản lý tài sản ở địa phương, trừ tài sản quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 44/2024/NĐ-CP.
Theo đó, hiện nay, thẩm quyền quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định như đã nêu trên.
*Thông tư 74/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/12/2024 và được áp dụng từ năm tài chính 2024.