Thông tư 08/2023/TT-NHNN quy định những điều kiện nào về vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh?
Nội dung chính
Thông tư 08/2023/TT-NHNN quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh?
Ngày 30/6/2023 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 08/2023/TT-NHNN quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh.
Theo đó, Thông tư 08/2023/TT-NHNN quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh được áp dụng đối với các đối tượng:
- Người cư trú là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là bên đi vay nước ngoài (gọi chung là bên đi vay).
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nơi bên đi vay mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài (gọi là ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản).
Đồng thời, việc áp dụng điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan như sau:
- Bên đi vay vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế ngoài việc đáp ứng điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh, phải tuân thủ quy định của pháp luật về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Bên đi vay là doanh nghiệp nhà nước ngoài việc đáp ứng điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh, phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thông tư 08/2023/TT-NHNN quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh? (Hình từ Internet)
Sử dụng vốn vay nước ngoài phải đảm bảo những nguyên tắc gì?
Tại Điều 6 Thông tư 08/2023/TT-NHNN quy định về nguyên tắc sử dụng vốn vay nước ngoài như sau:
Nguyên tắc sử dụng vốn vay nước ngoài
1. Bên đi vay chịu trách nhiệm toàn diện trong việc sử dụng vốn vay nước ngoài đúng mục đích hợp pháp quy định tại Thông tư này.
2. Trường hợp khoản vay đã được rút vốn nhưng tạm thời chưa sử dụng cho các mục đích vay nước ngoài hợp pháp quy định tại Thông tư này, bên đi vay có thể sử dụng nguồn tiền này để gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Kỳ hạn của mỗi khoản tiền gửi tối đa không quá 01 tháng.
Như vậy, khi sử dụng vốn vay nước ngoài cần phải đảm bảo những nguyên tắc sau:
- Bên đi vay chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc sử dụng vốn vay theo quy định pháp luật;
- Bên đi vay có thể sử dụng nguồn vốn đã rút nhưng chưa sử dụng cho các mục đích khác để gửi tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam với kỳ hạn gửi tối đa không quá 01 tháng.
Có phải bên đi vay vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm sẽ không phải tuân thủ các điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh?
Tại Điều 5 Thông tư 08/2023/TT-NHNN quy định về khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm như sau:
Khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm
1. Bên đi vay vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm không phải tuân thủ các điều kiện vay nước ngoài quy định tại Thông tư này.
2. Bên đi vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm chịu trách nhiệm tuân thủ quy định hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, các quy định của pháp luật về thương mại, quản lý ngoại thương và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, bên đi vay vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm không phải tuân thủ các điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh.
Khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm sẽ tuân thủ theo quy định về:
+ Quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp;
+ Các quy định của pháp luật về thương mại, quản lý ngoại thương;
+ Các quy định khác của pháp luật có liên quan.