Thẩm quyền hủy quyết định cưỡng chế thi hành án có do tòa án quyết định không?
Nội dung chính
Thẩm quyền hủy quyết định cưỡng chế thi hành án có do tòa án quyết định không?
Trường hợp khi giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án quy định tại khoản 12 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, có đương sự cho rằng việc ra quyết định cưỡng chế thi hành án không đúng thì Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 không?
Trả lời:
Theo Khoản 12 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và Khoản 32 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 thì Tòa án chỉ xem xét giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế thi hành án; Tòa án không giải quyết việc cưỡng chế thi hành án đúng hay sai.
Trường hợp người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến quyết định cưỡng chế thi hành án cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì theo quy định tại Khoản 1 Điều 140, Khoản 1 Điều 160 Luật thi hành án dân sự 2008, họ có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên; Viện kiểm sát có quyền kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự. Việc giải quyết khiếu nại, kháng nghị được thực hiện theo quy định Luật thi hành án dân sự 2008. Khi giải quyết tranh chấp quyền sở hữu liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án, Tòa án không có quyền hủy quyết định cưỡng chế thi hành án như một quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức.
Cơ quan thi hành án dân sự có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm không?
Xin hỏi trong vụ án dân sự đã có bản án, nếu cơ quan thi hành án dân sự có phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án thì có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm không?
Trả lời:
Theo Điều 354 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bao gồm:
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
- Người đã kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định tái thẩm.
Ngoài ra, Điều 487 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định như sau:
Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự kiến nghị về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì Tòa án có thẩm quyền phải trả lời trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày nhận được kiến nghị; trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 04 tháng, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị.
Theo các quy định nêu trên, cơ quan thi hành án dân sự không có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Tuy nhiên họ có quyền kiến nghị về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục tái thẩm.
Sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án khi bản án có sự thay đổi?
Cơ quan thi hành án ra Quyết định thi hành án Bản án đã có hiệu lực thì nhận được thông báo sửa chữa, bổ sung bản án do có sai sót, làm thay đổi nội dung vụ việc. Cơ quan THA đã thu hồi quyết định THA và ra Quyết định THA lại. Vậy việc ra quyết định THA lại có vào sổ thụ lý THA không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập. Chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Theo Điều 268 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì:
Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai.
Trường hợp cần sửa chữa, bổ sung bản án theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Thẩm phán phối hợp với các Hội thẩm nhân dân là thành viên Hội đồng xét xử đã tuyên bản án đó phải ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án và gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự nếu bản án đã được gửi cho cơ quan thi hành án dân sự.
Trường hợp Thẩm phán đã xét xử vụ án đó không còn đảm nhiệm chức vụ Thẩm phán tại Tòa án đã ra bản án đó thì Chánh án Tòa án thực hiện việc sửa chữa, bổ sung bản án.
Như vậy, việc Tòa án có thông báo sửa chữa, bổ sung bản án đã có hiệu lực pháp luật do có sai sót, làm thay đổi nội dung vụ việc là không phù hợp với pháp luật. Cơ quan thi hành án đề nghị Tòa án xem xét lại việc bổ sung bản án đó. Nếu bản án bị kháng nghị và xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì tùy từng trường hợp cụ thể việc thi hành án bị đình chỉ (nếu có quyết định đình chỉ thi hành án và việc thi hành án kết thúc thi hành án đối với bản án cũ) hoặc cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án và thụ lý việc thi hành án đối với bản án, quyết định mới theo quy định tại Điều 135, Điều 136 Luật thi hành án dân sự 2008.
Trong trường hợp Tòa án có thông báo sửa chữa, bổ sung bản án đúng quy định của pháp luật, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án căn cứ khoản 2 Điều 37 Luật thi hành án dân sự 2008 ra quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án. Trường hợp này, vụ việc thi hành án đã được thụ lý, việc ra quyết định sửa đổi, bổ sung không làm thay đổi nội dụng vụ việc thi hành án, nên không tính thành một việc thi hành án mới, nhưng cần ghi vào Sổ thụ lý để thuận lợi cho việc theo dõi, kiểm tra và tổ chức việc thi hành án.
Trân trọng!