Tại các đảo, quần đảo của Việt Nam, chính quyền địa phương sẽ được tổ chức theo cấp huyện hay cấp xã?
Nội dung chính
1. Tại các đảo, quần đảo của Việt Nam, chính quyền địa phương sẽ được tổ chức theo cấp huyện hay cấp xã?
Tại Điều 72 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 được sửa đổi bởi Khoản 24 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 có quy định về chính quyền địa phương ở hải đảo như sau:
1. Tùy theo điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, các đảo, quần đảo có thể được tổ chức thành các đơn vị hành chính quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 của Luật này.
Việc tổ chức đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại địa bàn hải đảo thực hiện theo quy định tại Chương V của Luật này.
2. Tại đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo chia thành các đơn vị hành chính cấp xã thì tại đơn vị hành chính cấp xã tổ chức cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương, cấp chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện ở hải đảo gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.3. Việc tổ chức các cơ quan thuộc chính quyền địa phương ở địa bàn hải đảo thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 2 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 có quy định đơn vị hành chính như sau:
Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:
1. Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);
2. Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);
3. Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);
4. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Căn cứ theo quy định hiện hành, tại các đảo, quần đảo của Việt Nam, chính quyền địa phương sẽ được tổ chức theo một trong hai cấp: cấp huyện hoặc cấp xã. Việc tổ chức này tùy theo điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại đảo, quần đảo.
Tại các đảo, quần đảo của Việt Nam, chính quyền địa phương sẽ được tổ chức theo cấp huyện hay cấp xã? (Internet)
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền địa phương ở hải đảo được quy định như thế nào?
Tại Điều 73 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở hải đảo như sau:
1. Chính quyền địa phương cấp huyện ở hải đảo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn tương ứng của chính quyền địa phương ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương quy định tại Mục 2 Chương II, Mục 2 và Mục 3 Chương III của Luật này.
2. Chính quyền địa phương cấp xã ở hải đảo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn tương ứng của chính quyền địa phương ở xã, phường, thị trấn quy định tại Mục 3 Chương II, Mục 4 và Mục 5 Chương III của Luật này.
3. Việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính ở hải đảo trong các văn bản quy phạm pháp luật khác phải bảo đảm tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan nhà nước tại địa phương, bảo đảm linh hoạt, chủ động ứng phó khi có sự kiện, tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo, phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm thu hút người dân ra sinh sống, bảo vệ và phát triển hải đảo.
Như vậy, chính quyền địa phương ở hải đảo sẽ có nhiệm vụ và quyền hạn như trên.
3. Chính quyền địa phương có ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay không?
Tại Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có quy định về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như sau:
...
9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
10. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
13. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).
15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
...
Theo đó, chính quyền địa phương vẫn có ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã là văn bản quy phạm pháp luật.