14:24 - 18/12/2024

Sự khác nhau cơ bản giữa văn bản công chứng và vi bằng? Vi bằng có thể dùng thay văn bản công chứng không?

Sự khác nhau cơ bản giữa văn bản công chứng và vi bằng? Vi bằng có thể dùng thay văn bản công chứng không?

Nội dung chính

    Sự khác nhau cơ bản giữa văn bản công chứng và vi bằng?

    Văn bản công chứng và vi bằng đều nhằm mục đích xác thực một số vấn đề, tuy nhiên giữa chúng có những điểm khác nhau.

    Dưới đây là một số tiêu chí để phân biệt giữa văn bản công chứng và vi bằng:

    Tiêu chí

    Văn bản công chứng

    Vi bằng

    Khái niệm

    Là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Công chứng 2014.

    Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP

    Chủ thể lập

    Công chứng viên

    Thừa phát lại

    Nội dung

    Văn bản công chứng bao gồm các nội dung sau đây:

    - Hợp đồng, giao dịch, bản dịch;

    - Lời chứng của công chứng viên.

    Vi bằng được lập bằng văn bản tiếng Việt, có nội dung chủ yếu sau đây:

    - Tên, địa chỉ Văn phòng Thừa phát lại; họ, tên Thừa phát lại lập vi bằng;

    - Địa điểm, thời gian lập vi bằng;

    - Họ, tên, địa chỉ người yêu cầu lập vi bằng;

    - Họ, tên người tham gia khác (nếu có);

    - Nội dung yêu cầu lập vi bằng; nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận;

    - Lời cam đoan của Thừa phát lại về tính trung thực và khách quan trong việc lập vi bằng;

    - Chữ ký của Thừa phát lại, dấu Văn phòng Thừa phát lại, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người yêu cầu, người tham gia khác (nếu có) và người có hành vi bị lập vi bằng (nếu họ có yêu cầu).

    Giá trị pháp lý

    - Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

    - Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

    - Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

    - Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.

    Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

    Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

    Chế độ lưu trữ

    Tổ chức hành nghề công chứng phải bảo quản chặt chẽ, thực hiện biện pháp an toàn đối với hồ sơ công chứng.

    Bản chính văn bản công chứng và các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng phải được lưu trữ ít nhất là 20 năm tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng; trường hợp lưu trữ ngoài trụ sở thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của Sở Tư pháp.

    Vi bằng phải được gửi cho người yêu cầu và được lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về lưu trữ như đối với văn bản công chứng.

    Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Văn phòng Thừa phát lại phải gửi vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở để vào sổ đăng ký. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng.

    Sở Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu về vi bằng; thực hiện đăng ký và quản lý cơ sở dữ liệu về vi bằng theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

    Căn cứ pháp lý

    Luật Công chứng 2014

    Nghị định 08/2020/NĐ-CP


    Sự khác nhau cơ bản giữa văn bản công chứng và vi bằng? Vi bằng có thể dùng thay văn bản công chứng không?

    Sự khác nhau cơ bản giữa văn bản công chứng và vi bằng? Vi bằng có thể dùng thay văn bản công chứng không? (Hình từ Internet)

    Vi bằng có thể dùng thay văn bản công chứng không?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định như sau:

    Thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng
    1. Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định này.
    2. Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.
    3. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
    4. Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.

    Theo đó, vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

    Như vây, căn cứ theo quy định trên thì vi bằng không thay thế văn bản công chứng theo quy định.

    Cấp bản sao văn bản công chứng được thực hiện trong các trường hợp nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 65 Luật Công chứng 2014 quy định việc cấp bản sao văn bản công chứng được thực hiện trong các trường hợp sau:

    - Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong các trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền có yêu cầu bằng văn bản về việc cung cấp hồ sơ công chứng phục vụ cho việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc đã công chứng thì tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm cung cấp bản sao văn bản công chứng và các giấy tờ khác có liên quan. Việc đối chiếu bản sao văn bản công chứng với bản chính chỉ được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng nơi đang lưu trữ hồ sơ công chứng.

    - Theo yêu cầu của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng.

    23
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ