Quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận giám định trong tố tụng hình sự
Nội dung chính
Quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận giám định trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 214 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:
1. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị trưng cầu giám định của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định.
2. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được kết luận giám định thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo kết luận giám định cho bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có liên quan.
3. Bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận giám định; đề nghị giám định bổ sung hoặc giám định lại. Trường hợp họ trình bày trực tiếp thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải lập biên bản.
4. Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không chấp nhận đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Quy định này nhằm bảo đảm cho bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác góp phần làm cho việc giám định được đầy đủ, chính xác và thể hiện tính chất dân chủ, công khai trong tố tụng. Theo đó, sau khi tiến hành giám định, nếu bị can, những người tham gia tố tụng khác yêu cầu thì cơ quan đã trưng cầu giám định phải thông báo cho họ về nội dung kết luận giám định để họ được trình bày ý kiến, cơ quan điều tra phải xem xét một cách nghiêm túc.
Trên đây là nội dung tư vấn về quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận giám định trong tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!