Quy trình để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân diễn ra như thế nào?
Nội dung chính
Quy trình để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân diễn ra như thế nào?
Quy trình giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được quy định tại Mục IV Thông tư 09/2008/TT-BCA hướng dẫn về hồ sơ và quy trình giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành như sau:
(1) Trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ hoặc thân nhân của cán bộ, chiến sĩ
- Nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1 và điểm a, b, c khoản 2 Mục II Thông tư này (trừ sổ bảo hiểm xã hội) cho Công an cấp huyện nơi đang công tác để giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản.
- Trường hợp người mẹ chết sau khi sinh con thì người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng con đến khi con đủ 4 tháng tuổi nộp các thủ tục theo quy định tại điểm d khoản 2 Mục II Thông tư này (trừ sổ bảo hiểm xã hội) cho Công an cấp huyện nơi người mẹ công tác khi còn sống (trong trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội) hoặc cho cơ quan nơi người cha đang công tác (trường hợp chỉ có người cha tham gia bảo hiểm xã hội) để giải quyết chế độ thai sản.
- Cán bộ, chiến sĩ đã xuất ngũ, thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi, khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi, đến Bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú để được hướng dẫn giải quyết hưởng chế độ thai sản.
- Cán bộ, chiến sĩ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nộp đầy đủ các giấy tờ theo quy định tại điểm d khoản 4, điểm d khoản 5 và điểm b, c khoản 6 Mục II Thông tư này cho Công an cấp huyện nơi đang công tác và nhận hồ sơ đã được giải quyết.
- Cán bộ, chiến sĩ đã được Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, khi đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí hoặc có nhu cầu nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đến Bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú để được hướng dẫn, giải quyết.
- Những trường hợp cán bộ, chiến sĩ đã chấp hành xong hình phạt tù, hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài nay trở về nước định cư hợp pháp hoặc Tòa án đã tuyên bố mất tích nay trở về, nhưng chưa được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, đến Công an đơn vị, địa phương nơi công tác trước khi bị phạt tù hoặc xuất cảnh trái phép hoặc Tòa án tuyên bố mất tích để nhận hồ sơ đã được Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và đến Bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú để được hướng dẫn, giải quyết.
- Trường hợp cán bộ, chiến sĩ đang đóng bảo hiểm xã hội bị chết thì người hưởng trợ cấp tử tuất nộp Tờ khai hoàn cảnh gia đình của thân nhân người chết (Mẫu số 16-TKTN) cho Công an cấp huyện nơi cán bộ, chiến sĩ công tác và nhận hồ sơ đã giải quyết.
Trường hợp cán bộ, chiến sĩ đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng hoặc đã được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà bị chết thì thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tử tuất đến Bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú để giải quyết.
- Nộp hồ sơ đã được Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân giải quyết và giới thiệu cho Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cư trú đến hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng theo quy định.
(2) Trách nhiệm của Công an cấp huyện
Tiếp nhận hồ sơ của cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị mình chuyển đến; lập hồ sơ theo quy định tại điểm c khoản 4 và điểm đ khoản 12 mục II Thông tư này (trừ cấp phòng của khối cơ quan Bộ) và chuyển Công an cấp trên giải quyết theo quy định.
(3) Trách nhiệm của Công an đơn vị, địa phương
- Thẩm định hồ sơ, xét duyệt, quyết định các chế độ: ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe đối với cán bộ, chiến sĩ; quyết định trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân xuất ngũ thuộc Công an đơn vị, địa phương mình.
- Hàng quý lập danh sách cán bộ, chiến sĩ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe của đơn vị, địa phương mình (Mẫu số 20, 21, 22, 23 và 24-DS) để tổng hợp theo dõi.
- Tiếp nhận hồ sơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, bảo hiểm xã hội một lần, tử tuất do Công an cấp huyện chuyển đến.
- Giới thiệu cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị, địa phương đến Hội đồng Giám định y khoa để giám định, giám định lại, giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động.
Giới thiệu thân nhân cán bộ, chiến sĩ đi giám định trong thời gian 2 tháng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP hoặc 6 tháng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP tính từ khi cán bộ, chiến sĩ chết để giải quyết chế độ trợ cấp tử tuất hàng tháng.
- Hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định tại các điểm a, b, c, e khoản 4; các điểm a, b, c, e khoản 5 các điểm a, đ khoản 6; các điểm a, c khoản 7; các điểm a, b, d, đ khoản 8, các điểm a, b, d, e khoản 9 và các điểm a, b, d, đ, e khoản 12 Mục II Thông tư này.
- Chuyển hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất về Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân.
- Chi trả trợ cấp ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, trợ cấp tuất một lần, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (đối với cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong Công an nhân dân); cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình lần đầu đối với cán bộ, chiến sĩ hoặc thân nhân cán bộ, chiến sĩ.
- Hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ hoặc thân nhân cán bộ, chiến sĩ đăng ký với Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cư trú để quản lý, chi trả lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.
Trường hợp người hưởng chế độ, không nhận hồ sơ và trợ cấp bảo hiểm xã hội thì lập biên bản về việc người hưởng chế độ không nhận hồ sơ và trợ cấp bảo hiểm xã hội đồng thời có công văn trao đổi với Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó cư trú để làm thủ tục đăng ký, quản lý đối với trường hợp hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và gửi tiết kiệm đối với số tiền trợ cấp bảo hiểm một lần (nếu có).
- Hàng quý lập báo cáo quyết toán chi chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội của Công an đơn vị, địa phương mình (03 bản): gửi Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân (Vụ Tài chính) 01 bản; lưu tại Công an đơn vị, địa phương 02 bản.
(4) Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân
- Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm:
+Tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết các chế độ Bảo hiểm xã hội do Công an đơn vị, địa phương chuyển đến, thẩm định, ra Quyết định, cấp giấy chứng nhận hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (trừ các chế độ đã phân cấp cho Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương).
+ Giới thiệu cán bộ, chiến sĩ được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khi thôi phục vụ trong Công an nhân dân (kể cả thân nhân cán bộ, chiến sĩ, được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng) đến Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cư trú nộp hồ sơ và nhận chế độ chi trả theo quy định.
+ Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và làm thủ tục bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của cán bộ, chiến sĩ.
+ Phối hợp với Vụ Tài chính lập dự toán, quyết toán về chế độ thu, chi bảo hiểm xã hội với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và kiểm tra việc thực hiện các chế độ bảo hiểm của Công an các đơn vị, địa phương;
+ Hàng quý, tổng hợp và nộp hồ sơ đã giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam để lưu trữ.
- Vụ Tài chính có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ hướng dẫn, lập dự toán, quyết toán về chế độ thu, chi bảo hiểm xã hội với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và kiểm tra việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội của Công an các đơn vị, địa phương.