Quy tắc đối với người điều khiển tàu hỏa qua đường ngang là gì?
Nội dung chính
Quy tắc đối với người điều khiển tàu hỏa qua đường ngang là gì?
Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Đường sắt 2017 thì đường ngang là đường giao nhau giữa đường bộ với đường sắt, có thể là đường dành cho phương tiện cơ giới hoặc không dành cho phương tiện cơ giới.
Căn cứ theo quy định tại Điều 35 Thông tư 29/2023/TT-BGTVT quy định người điều khiển tàu qua đường ngang ngoài việc tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Đường sắt 2017, phải chú ý tín hiệu ngăn đường, tín hiệu cảnh báo đường ngang (nếu có), chú ý quan sát đường ngang để nhanh chóng hãm tàu khi thấy có tín hiệu dừng tàu hoặc có trở ngại trên đường ngang.
Bên cạnh đó, Điều 39 Luật Đường sắt 2017 quy định về giao thông tại đường ngang, cầu chung, trong hầm như sau:
Giao thông tại đường ngang, cầu chung, trong hầm
1. Tại đường ngang, cầu chung, phương tiện giao thông vận tải đường sắt được quyền ưu tiên.
2. Lái tàu phải kéo còi trước khi đi vào đường ngang, cầu chung, hầm; phải bật đèn chiếu sáng khi đi trong hầm.
3. Người tham gia giao thông đường bộ khi đi qua đường ngang, cầu chung phải thực hiện theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và của Luật này.
4. Tại đường ngang, cầu chung có người gác, khi đèn tín hiệu không hoạt động hoặc báo hiệu sai quy định, chắn đường bộ bị hỏng thì nhân viên gác đường ngang, nhân viên gác cầu chung phải điều hành giao thông.
Như vậy, các tổ chức, cá nhân tham gia vận hành giao thông đường sắt phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn. Một số quy tắc đối với người điều khiển tàu qua đường ngang như: khi sắp đến đường ngang, người điều khiển tàu phải kéo còi, chú ý tín hiệu ngăn đường, tín hiệu cảnh báo đường ngang, chú ý quan sát đường ngang để nhanh chóng hãm tàu khi thấy có tín hiệu dừng tàu hoặc có trở ngại trên đường ngang,…
Quy tắc đối với người điều khiển tàu hỏa qua đường ngang là gì? (Hình từ Internet)
Quy định của pháp luật khi người tham gia giao thông đường bộ đi qua đường ngang?
Tại Điều 31 Thông tư 29/2023/TT-BGTVT quy định người tham gia giao thông đường bộ khi qua đường ngang phải chấp hành quy định của pháp luật đường bộ, pháp luật đường sắt và thực hiện quy định sau:
- Phải ưu tiên cho các phương tiện giao thông hoạt động trên đường sắt.
- Phải chấp hành hiệu lệnh của nhân viên gác đường ngang và chỉ dẫn của các báo hiệu trong phạm vi đường ngang.
- Khi có báo hiệu dừng bằng đèn tín hiệu (đèn đỏ sáng nháy), cờ đỏ, biển đỏ, còi, chuông hoặc loa phát âm thanh kêu, chắn đường ngang đang dịch chuyển hoặc đã đóng, hiệu lệnh của nhân viên gác chắn, người tham gia giao thông đường bộ (kể cả những xe có quyền ưu tiên) đều phải dừng lại về bên phải chiều đi và trước vạch dừng xe.
- Người không có nhiệm vụ không được tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng.
- Đối với đường ngang biển báo, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại trước vạch dừng, lắng nghe còi tàu, chú ý quan sát tàu đến từ xa ở hai phía, khi thấy chắc chắn không có tàu tới đường ngang mới được đi qua và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn.
Pháp luật yêu cầu người tham gia giao thông đường bộ phải hết sức cẩn trọng khi đi qua đường ngang giao cắt với đường sắt. Người lái xe phải giảm tốc độ, dừng lại khi có tín hiệu cảnh báo, và chỉ vượt qua khi không có tàu đến, nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Nhiệm vụ của người điều khiển tàu hỏa là gì?
Theo khoản 2 Điều 7 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT thì nhiệm vụ của người lái tàu được quy định như sau:
Lái tàu
...
2. Nhiệm vụ
a) Thông hiểu và thực hiện đúng các quy định liên quan đến phạm vi công tác của mình trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt, tín hiệu đường sắt, quy trình chạy tàu và công tác dồn đường sắt;
b) Thành thạo quy trình tác nghiệp của ban lái tàu, phương pháp sử dụng đầu máy, tình hình cầu đường, vị trí tín hiệu và biểu đồ chạy tàu;
c) Vận hành đầu máy an toàn, không vượt quá tốc độ quy định, theo đúng lịch trình của biểu đồ chạy tàu, mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu;
d) Khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt phải thực hiện các thao tác dừng tàu khẩn cấp;
đ) Chỉ được phép điều khiển tàu chạy khi có giấy phép lái tàu tương ứng với loại phương tiện điều khiển;
e) Trước khi cho tàu chạy, lái tàu phải kiểm tra, xác nhận chứng vật chạy tàu cho phép chiếm dụng khu gian, xác nhận chính xác tín hiệu cho tàu chạy của trưởng tàu và của trực ban chạy tàu ga kể cả khi đầu máy chạy đơn;
g) Trong khi chạy tàu, lái tàu có trách nhiệm kiểm tra trạng thái kỹ thuật đầu máy và các vấn đề khác có liên quan đến an toàn đầu máy và an toàn chạy tàu theo quy định, tỉnh táo theo dõi và thực hiện đúng chỉ dẫn của các biển báo, biển hiệu, mốc hiệu trên đường, quan sát tình hình cầu đường và biểu thị của tín hiệu, kiểm tra tác dụng của hệ thống hãm tự động theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt, đặc biệt trong trường hợp khi tàu lên, xuống dốc cao và dài;
h) Hướng dẫn, giám sát phụ lái tàu thực hành lái tàu và chịu trách nhiệm chính về an toàn chạy tàu trong quá trình phụ lái tàu thực hành lái tàu.
Người điều khiển tàu hỏa phải thực hiện nhiệm vụ một cách chính xác, an toàn, theo dõi và phản ứng nhanh chóng với các tình huống bất ngờ, đảm bảo an toàn cho hành khách, đoàn tàu và các phương tiện giao thông khác.