Quy hoạch băng tần 1920-1980 MHz và 2110-2170 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT Việt Nam?
Nội dung chính
Quy hoạch băng tần 1920-1980 MHz và 2110-2170 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT Việt Nam từ ngày 27/11/2023?
Ngày 10/10/2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 12/2023/TT-BTTTT quy hoạch băng tần 1920-1980 MHz và 2110-2170 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam.
Theo đó, Thông tư 12/2023/TT-BTTTT được áp dụng đối với:
- Tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện;
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị vô tuyến điện để sử dụng tại Việt Nam.
Phạm vi điều chỉnh của Thông tư 12/2023/TT-BTTTT:
Thông tư quy hoạch băng tần 1920-1980 MHz và 2110-2170 MHz để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT1 (bao gồm các hệ thống thông tin di động IMT-2000, IMT-Advanced, IMT-2020 và các phiên bản tiếp theo, tuân theo định nghĩa của Liên minh Viễn thông Quốc tế - ITU).
Quy hoạch băng tần 1920-1980 MHz và 2110-2170 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT Việt Nam? (Hình từ Internet)
Quy hoạch băng tần 1920-1980 MHz và 2110-2170 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT Việt Nam bao gồm nội dung nào?
Tại Điều 2 Thông tư 12/2023/TT-BTTTT có quy định quy hoạch băng tần 1920-1980 MHz và 2110-2170 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT Việt Nam bao gồm nội dung sau:
- Quy hoạch băng tần 1920-1980 MHz và 2110-2170 MHz để triển khai hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT như sau:
+ Đoạn băng tần 1920-1980 MHz được dành cho băng tần đường lên, phân chia thành 04 khối là B1, B2, B3, B4 có độ rộng 15 MHz mỗi khối;
+ Đoạn băng tần 2110-2170 MHz được dành cho băng tần đường xuống, phân chia thành 04 khối là B1’, B2’, B3’, B4’ có độ rộng 15 MHz mỗi khối;
+ Giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng trong băng tần 1920-1980 MHz và 2110-2170 MHz là 2x15 MHz theo phương thức truyền dẫn song công phân chia theo tần số (FDD2), trừ trường hợp cấp phép sử dụng đối với khối băng tần được xem xét cấp lại mà sử dụng chung tần số vô tuyến điện theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022.
- Băng tần 1920-1980 MHz và 2110-2170 MHz được sử dụng để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-2000 và các phiên bản tiếp theo đến hết ngày 14/9/2028.
Từ ngày 15/9/2028, các băng tần này được sử dụng để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo.
- Các tổ chức được cấp giấy phép sử dụng băng tần trong băng tần 1920- 1980 MHz và 2110-2170 MHz có trách nhiệm phối hợp với nhau để phòng tránh nhiễu có hại.
Quy hoạch tần số vô tuyến điện bao gồm những quy hoạch nào?
Tại khoản 1 Điều 11 Luật Tần số vô tuyến điện 2009 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022 có quy định về quy hoạch băng tần như sau:
Các loại quy hoạch tần số vô tuyến điện; thẩm quyền phê duyệt và thực hiện quy hoạch tần số vô tuyến điện
1. Quy hoạch tần số vô tuyến điện bao gồm:
a) Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia là quy hoạch phân chia phổ tần số vô tuyến điện thành các băng tần dành cho các nghiệp vụ vô tuyến điện và quy định mục đích, điều kiện sử dụng đối với từng băng tần;
b) Quy hoạch băng tần là quy hoạch phân chia băng tần thành một hoặc nhiều khối băng tần cho một loại hệ thống thông tin vô tuyến điện và quy định việc phân bổ băng tần đó cho một hoặc nhiều tổ chức sử dụng theo những điều kiện cụ thể.
Đối với băng tần được quy hoạch cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng thì việc phân bổ phải bao gồm giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng trong băng tần được quy hoạch hoặc trong nhóm băng tần xác định;
c) Quy hoạch phân kênh tần số là quy hoạch phân chia một băng tần thành các kênh tần số cho một loại nghiệp vụ vô tuyến điện cụ thể theo một tiêu chuẩn nhất định và quy định điều kiện sử dụng các kênh tần số đó;
d) Quy hoạch sử dụng kênh tần số là quy hoạch bố trí và quy định điều kiện sử dụng các kênh tần số đối với một hệ thống cho một loại nghiệp vụ vô tuyến điện cụ thể.
....
Như vậy, quy hoạch tần số vô tuyến điện bao gồm những quy hoạch sau:
(1) Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia;
(2) Quy hoạch băng tần;
(3) Quy hoạch phân kênh tần số;
(4) Quy hoạch sử dụng kênh tần số.
Ai có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện quy hoạch tần số vô tuyến điện?
Tại khoản 2 Điều 11 Luật Tần số vô tuyến điện 2009 có quy định về người có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện quy hoạch tần số vô tuyến điện là:
- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia;
- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt quy hoạch băng tần, quy hoạch phân kênh tần số, quy hoạch sử dụng kênh tần số trên cơ sở Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia;
- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thực hiện quy hoạch tần số vô tuyến điện;
- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thẩm định về sự phù hợp của quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành có sử dụng tần số vô tuyến điện với các quy hoạch tần số vô tuyến điện.