11:28 - 30/12/2024

Quy định về sử dụng động vật nghiệp vụ từ ngày 01/01/2025

Động vật nghiệp vụ là gì? Huấn luyện động vật nghiệp vụ do cơ quan nào thực hiện? Quy định về sử dụng động vật nghiệp vụ từ ngày 01/01/2025

Nội dung chính

    Động vật nghiệp vụ là gì?

    Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 11 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 thì động vật nghiệp vụ là động vật được huấn luyện để sử dụng cho yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.

    Ngoài ra, tại phụ lục 4 Thông tư 75/2024/TT-BCA có quy định động vật nghiệp vụ, bao gồm: Chó, ngựa hoặc động vật khác do các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được phép huấn luyện để sử dụng vào mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

    Lưu ý:

    Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

    Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

    Quy định về sử dụng động vật nghiệp vụ từ ngày 01/01/2025Quy định về sử dụng động vật nghiệp vụ từ ngày 01/01/2025 (Hình từ Internet)

    Quy định về sử dụng động vật nghiệp vụ từ ngày 01/01/2025

    Căn cứ vào Điều 22 Thông tư 75/2024/TT-BCA việc sử dụng động vật nghiệp vụ được quy định như sau:

    (1) Người sử dụng động vật nghiệp vụ khi thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 và được sử dụng trong các trường hợp sau đây:

    - Hỗ trợ tuần tra kiểm soát, canh gác, bảo vệ mục tiêu; chống gây rối trật tự công cộng, biểu tình, bạo loạn, khủng bố; bảo vệ phiên tòa, thi hành án, tìm xác người, vật chứng; truy tìm dấu vết mùi hơi người; phát hiện các chất ma túy, vật liệu nổ;

    - Hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ khác;

    - Hỗ trợ phát hiện, ngăn chặn, truy lùng, bắt giữ, dẫn giải người phạm tội, can phạm, phạm nhân;

    - Thực hiện các nghi thức, tham gia diễu binh, duyệt binh.

    (2) Người sử dụng động vật nghiệp vụ không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi sử dụng động vật nghiệp vụ đã tuân thủ quy định tại mục (1); trường hợp sử dụng động vật nghiệp vụ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng động vật nghiệp vụ để xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

    Huấn luyện động vật nghiệp vụ do cơ quan nào thực hiện?

    Căn cứ theo Điều 20 Thông tư 75/2024/TT-BCA quy định như sau:

    Huấn luyện động vật nghiệp vụ
    1. Việc huấn luyện động vật nghiệp vụ do đơn vị chức năng của Bộ Công an được Bộ trưởng Bộ Công an giao nhiệm vụ thực hiện.
    2. Đơn vị huấn luyện động vật nghiệp vụ phải có cán bộ chuyên trách, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện và nội dung, chương trình huấn luyện động vật nghiệp vụ, cụ thể:
    a) Cán bộ huấn luyện động vật nghiệp vụ phải có chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ trong Công an nhân dân và được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm công tác quản lý, huấn luyện động vật nghiệp vụ;
    b) Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc nuôi dưỡng, huấn luyện động vật nghiệp vụ phải bảo đảm theo tiêu chuẩn, định mức do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;
    c) Đơn vị huấn luyện động vật nghiệp vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với đơn vị chức năng có liên quan biên soạn nội dung, chương trình huấn luyện động vật nghiệp vụ phù hợp với mục đích huấn luyện theo từng chuyên khoa nghiệp vụ.
    3. Sau khi kết thúc huấn luyện động vật nghiệp vụ, đơn vị huấn luyện thực hiện cấp giấy chứng nhận theo quy định.

    Như vậy, theo quy định trên của pháp luật, nhiệm vụ huấn luyện động vật nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Công an giao do đơn vị chức năng của Bộ Công an thực hiện.

    Quy định về quản lý động vật nghiệp vụ của Bộ Công an

    Tại Điều 21 Thông tư 75/2024/TT-BCA quy định về quản lý động vật nghiệp vụ như sau:

    - Cơ quan có thẩm quyền huấn luyện động vật nghiệp vụ phải lập hồ sơ quản lý, theo dõi động vật nghiệp vụ, bao gồm:

    + Hệ phả;

    + Sổ theo dõi quá trình huấn luyện và kết quả sử dụng;

    + Sổ khám chữa bệnh;

    + Giấy chứng nhận động vật nghiệp vụ;

    + Các tài liệu khác có liên quan.

    - Sau khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc cấp giấy phép trang bị thì cơ quan huấn luyện động vật nghiệp vụ có trách nhiệm bàn giao động vật nghiệp vụ và hồ sơ quản lý động vật nghiệp vụ cho đơn vị, cơ quan, tổ chức được trang cấp hoặc trang bị động vật nghiệp vụ để quản lý, sử dụng theo quy định.

    - Sau khi được trang cấp hoặc trang bị động vật nghiệp vụ, đơn vị, cơ quan, tổ chức phải làm thủ tục đăng ký khai báo với cơ quan có thẩm quyền để cấp thông báo đăng ký khai báo theo quy định; trong quá trình nuôi dưỡng, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ phải bổ sung các tài liệu có liên quan vào hồ sơ quản lý, theo dõi.

    Lưu ý:

    Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

    Thông tư 75/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

    64
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ