15:53 - 13/11/2024

Quy chuẩn làm việc dưới nước trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như thế nào?

Quy chuẩn làm việc dưới nước trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như thế nào?

Nội dung chính

    1. Quy chuẩn làm việc dưới nước trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như thế nào?

    Tại Tiết 2.14.1 Tiểu mục 2.14 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng QCVN 18:2021/BXD ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD quy chuẩn làm việc dưới nước trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như sau:

    2.14.1.1  Người lao động làm việc dưới nước (sau đây viết gọn là Thợ lặn) phải đáp ứng các quy định sau:

    a) Là nam giới, bơi lặn giỏi, trong độ tuổi từ 20 (hai mươi) đến 55 (năm mươi lăm);

    b) Đã có kinh nghiệm lặn và thực hiện công việc dưới nước tương tự công việc được giao; hoặc họ đang được thợ lặn có kinh nghiệm đào tạo, giám sát;

    c) Chỉ được làm việc dưới sự giám sát và điều phối của người có thẩm quyền.

    CHÚ THÍCH 1: Người có thẩm quyền là người quản lý thi công, quản lý an toàn của nhà thầu hoặc người giám sát xây dựng của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC).

    CHÚ THÍCH 2: Người trợ giúp (hỗ trợ các thao tác cho người lặn và làm nhiệm vụ báo, truyền tín hiệu, điều phối khác), người quản lý thi công, quản lý an toàn của nhà thầu, người giám sát xây dựng của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC) và những người khác nếu làm việc dưới nước phải thỏa mãn các yêu cầu như đối với thợ lặn.

    2.14.1.2  Người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp để:

    a) Ngăn ngừa thợ lặn bị đuối nước, đối mặt với các yếu tố nguy hiểm như áp lực nước lên cơ thể, dòng chảy mạnh, nhiệt độ thấp, ô nhiễm nước, sinh vật sống dưới nước, tầm nhìn hạn chế, va chạm với các vật dưới nước và các yếu tố nguy hiểm dưới nước khác;

    b) Thực hiện cứu nạn cho thợ lặn trong các tình huống đe dọa đến sức khỏe và an toàn sinh mạng của họ;

    c) Vận chuyển an toàn.

    2.14.1.3  Biện pháp ĐBAT khi thực hiện các công việc dưới nước và trên mặt nước có liên quan phải bao gồm cả các quy định cụ thể về sử dụng các trang thiết bị sau đây:

    a) Trang thiết bị phục vụ công việc lặn;

    b) Trang thiết bị an toàn có liên quan đến các công việc trên mặt nước (xem 2.13);

    c) Trang thiết bị cứu sinh như phao cứu sinh, áo phao và các phương tiện hỗ trợ nổi phục vụ cứu sinh khác;

    d) Phương tiện bảo vệ để tránh các yếu tố nguy hiểm từ động vật bò sát và các động vật khác;

    đ) Các trang thiết bị khác (ví dụ: thiết bị điều áp, khoang, buồng điều áp) để ĐBAT cho người làm việc dưới nước khi lặn sâu (độ sâu lớn hơn 10 m) hoặc thực hiện các công việc nguy hiểm dưới nước khác.

    2.14.1.4  Chỉ cho phép bắt đầu công việc lặn sau khi đội thợ lặn đã chuẩn bị sẵn sàng để làm việc. Một đội thợ lặn bao gồm các nhân sự sau:

    a) Hai thợ lặn để cùng làm việc dưới nước;

    b) Tối thiểu một người trợ giúp;

    c) Tối thiểu một người làm nhiệm vụ vận hành máy bơm;

    d) Một thợ lặn thứ ba (có riêng bộ thiết bị lặn đầy đủ) để sẵn sàng làm việc trong trường hợp cần người thay thế hoặc trường hợp khẩn cấp như cứu nạn;

    đ) Người có thẩm quyền (xem 2.14.1.1) để điều phối và giám sát.

    2.14.1.5  Thợ lặn và những người lao động có liên quan phải được đào tạo, huấn luyện về quy trình bắt buộc phải tuân thủ trong các tình huống khẩn cấp.

    2.14.1.6  Thợ lặn không được phép lặn sâu hoặc thực hiện các công việc nguy hiểm dưới nước khác khi họ không được người làm công tác y tế cho phép và không có các trang thiết bị lặn chuyên dụng cho các công việc này.

    CHÚ THÍCH: Người làm công tác y tế công trường là bác sĩ, y tá hoặc người làm nhiệm vụ sơ cứu được đào tạo, có kinh nghiệm với hoạt động lặn, làm việc dưới nước và là những người trực tiếp theo dõi, giám sát sức khỏe của người lao động làm việc dưới nước.

    2.14.1.7  Phải kiểm tra thường xuyên số lượng người lao động đang làm việc dưới nước và trên mặt nước.

    2. Quy chuẩn giám sát y tế khi làm việc dưới nước trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như thế nào?

    Tại Tiết 2.14.2 Tiểu mục 2.14 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng QCVN 18:2021/BXD ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD quy chuẩn giám sát y tế khi làm việc dưới nước trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như sau:

    2.14.2.1  Thợ lặn không được phép làm việc dưới nước nếu không được kiểm tra y tế trong vòng một tháng trước đó và không được người làm công tác y tế xác nhận đủ điều kiện sức khỏe (thể chất và tinh thần) để làm việc.

    2.14.2.2  Nếu một thợ lặn không làm việc trong khoảng thời gian nhiều hơn 14 ngày do bị bệnh hoặc chấn thương thì người sử dụng lao động không được phép sử dụng thợ lặn này cho đến khi việc kiểm tra y tế đã xác nhận thợ lặn đủ sức khỏe (thể chất và tinh thần) để quay lại làm việc dưới nước.

    2.14.2.3  Thợ lặn phải được kiểm tra y tế định kỳ hàng tháng.

    2.14.2.4  Thợ lặn phải thông báo ngay cho người làm công tác y tế và người sử dụng lao động trong trường hợp cảm thấy không khỏe.

    2.14.2.5  Thợ lặn gặp tai nạn dưới nước phải được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Nếu thợ lặn sâu ngoi lên quá nhanh phải được giám sát và chăm sóc y tế phù hợp càng sớm càng tốt trong thiết bị điều áp (hoặc khoang, buồng điều áp).

    2.14.2.6  Tại các vị trí phù hợp dễ thấy tại nơi làm việc (trên thiết bị nổi, khu vực điều hành trên đất liền, nơi có người làm việc có liên quan), phải có bảng thông báo về:

    a) Tên, địa chỉ, số điện thoại và (hoặc) phương tiện liên lạc hiệu quả khác của người làm công tác y tế ở gần nhất, có kinh nghiệm sơ cứu, chăm sóc y tế liên quan đến công việc lặn;

    b) Tên, địa chỉ, số điện thoại và (hoặc) phương tiện liên lạc hiệu quả khác của thợ lặn hiện có ở gần nhất;

    c) Địa chỉ (vị trí) của thiết bị điều áp (hoặc khoang, buồng điều áp) gần nhất và tên, số điện thoại và (hoặc) phương tiện liên lạc hiệu quả khác của người quản lý thiết bị điều áp.

    2.14.2.7  Khi các hoạt động lặn được thực hiện ở vùng nước có độ sâu hơn 10 m: Thiết bị điều áp (hoặc khoang, buồng điều áp), các thiết bị phù hợp kèm theo (xem 2.9.2) phải có sẵn gần khu vực thi công.

    Trân trọng!

    6