Quản lý công tác đấu thầu công trình sử dụng nguồn vốn NSNN được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Quản lý công tác đấu thầu công trình sử dụng nguồn vốn NSNN được quy định như thế nào?
Việc quản lý công tác đấu thầu công trình sử dụng nguồn vốn NSNN được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Quy định trình tự và thủ tục trong quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Tư pháp quản lý ban hành kèm theo Quyết định 189/QĐ-BTP năm 2012 như sau:
Việc triển khai công tác đấu thầu phải thực hiện đúng các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và các Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành. Nội dung, thời hạn phê duyệt các nội dung trong công tác đấu thầu, thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
1. Lập, trình duyệt kế hoạch đấu thầu
a) Việc lập và trình duyệt kế hoạch đấu thầu thực hiện theo quy định tại Điều 6 Luật Đấu thầu; các Điều 9, 10, 11 Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng;
b) Khi phân chia các gói thầu thuộc dự án, ngoài việc phải căn cứ tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, bảo đảm tính đồng bộ của dự án, cần bảo đảm gói thầu có quy mô hợp lý, phù hợp với điều kiện năng lực của nhà thầu trong nước, bảo đảm các điều kiện cạnh tranh tối đa cho các doanh nghiệp trong nước nhận được hợp đồng, tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước;
c) Trường hợp có lý do cần điều chỉnh giá gói thầu hoặc nội dung gói thầu, chủ đầu tư phải tiến hành thủ tục điều chỉnh kế hoạch đấu thầu theo các quy định của pháp luật (trừ trường hợp quy định tại Khoản 2, 6 Điều 70 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP);
d) Hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định từ Điều 18 đến Điều 24 Luật Đấu thầu, khoản 4 Điều 2 Luật sửa đổi số 38/2009/QH12. Các trường hợp được chỉ định thầu quy định tại Khoản 4, Điều 2 Luật sửa đổi số 38/2009/QH12 và Điểm đ Khoản 1, Điều 101 Luật Xây dựng, Điều 40 Nghị định 85/2009/NĐ-CP, trong đó lưu ý các gói thầu có giá trị trong hạn mức được chỉ định thầu theo quy định của Chính phủ phải bảo đảm việc chỉ định thầu hiệu quả hơn đấu thầu.
2. Lập, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu
a) Hồ sơ mời thầu phải bao gồm các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Đấu thầu và mẫu hồ sơ mời thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành;
b) Hồ sơ mời thầu (HSMT) phải bao gồm các yêu cầu quan trọng (điều kiện tiên quyết) làm căn cứ để loại bỏ hồ sơ dự thầu; HSMT phải được đóng dấu giáp lai trước khi phát hành; HSMT không được quy định các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; cần có hướng dẫn chi tiết về quy cách và niêm phong Hồ sơ dự thầu (HSDT); HSDT phải được đóng dấu giáp lai giữa các trang liền kề, bản chụp HSDT phải được chụp từ bản gốc HSDT;
c) Trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải đưa ra yêu cầu về việc chào thầu bằng đồng Việt Nam đối với các chi phí trong nước; chỉ cho phép các nhà thầu chào thầu bằng ngoại tệ đối với các nội dung chi phí (hàng hóa) có nguồn gốc từ nước ngoài khi trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu mà nhà thầu phải nhập khẩu từ nước ngoài;
d) Chủ đầu tư phê duyệt HSMT theo quy định tại Khoản 19, Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung số 38/2009/QH12 trên cơ sở báo cáo thẩm định của cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định.
3. Thông báo mời thầu
a) Chủ đầu tư không được thông báo mời thầu các gói thầu thi công xây dựng, mua sắm và lắp đặt thiết bị khi địa phương chưa hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho dự án. Đồng thời, trong trường hợp này, Chủ đầu tư có trách nhiệm thống nhất với cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và cơ quan trực tiếp thực hiện công tác này về tiến độ chi tiết công tác giải phóng mặt bằng để có kế hoạch tổ chức đấu thầu thi công xây dựng công trình;
b) Đối với đấu thầu rộng rãi không có sơ tuyển, chủ đầu tư phải thực hiện đăng tải thông báo mời thầu trên Báo Đấu thầu 3 kỳ liên tiếp và trên trang thông tin điện tử về đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ngoài việc đăng tải theo quy định trên có thể đăng tải đồng thời trên các phương tiện thông tin đại chúng khác;
c) Bên mời thầu bán HSMT tới trước thời điểm đóng thầu cho các nhà thầu tham gia đấu thầu rộng rãi (trường hợp không áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn), cho các nhà thầu trong danh sách ngắn (trường hợp áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn đối với đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế) với giá bán được quy định.
Trường hợp bên mời thầu không bán hồ sơ mời thầu theo quy định hoặc thực hiện bất cứ hành vi nào làm hạn chế nhà thầu mua hồ sơ mời thầu sẽ bị xử lý theo quy định tại Điểm m, Khoản 1, Điều 65 Nghị định 85/2009/NĐ-CP và các quy định của pháp luật về đấu thầu.
4. Mở thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, thông báo kết quả đấu thầu
a) Việc mở thầu phải tiến hành công khai ngay sau thời điểm đóng thầu;
b) Việc đánh giá hồ sơ dự thầu căn cứ theo tiêu chuẩn đánh giá và các yêu cầu khác nêu trong hồ sơ mời thầu, theo nguyên tắc đánh giá được quy định tại Điều 28 Luật Đấu thầu và trình tự đánh giá được quy định tại Điều 35 Luật Đấu thầu, khoản 9 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung số 38/2009/QH12;
c) Bên mời thầu (hoặc chủ đầu tư) phải lập báo cáo đánh giá về kết quả đấu thầu theo quy định. Đơn vị được giao thẩm định có trách nhiệm lập báo cáo theo mẫu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành để Chủ đầu tư xem xét, phê duyệt kết quả đấu thầu;
d) Việc phê duyệt kết quả đấu thầu theo quy định tại Điều 40 Luật Đấu thầu, khoản 12 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung số 38/2009/QH12;
đ) Việc thông báo kết quả đấu thầu được thực hiện ngay sau khi có quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu của chủ đầu tư.
5. Xử lý tình huống trong đấu thầu thực hiện theo quy định của Điều 70 Nghị định 85/2009/NĐ-CP.
6. Kiểm tra công tác đấu thầu.
a) Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan, tổ chức đầu mối thẩm định để kiểm tra công tác đấu thầu của chủ đầu tư trong việc chấp hành các quy định về đấu thầu theo Luật Đấu thầu. Nội dung công tác kiểm tra về đấu thầu thực hiện theo quy định tại Điều 74 Nghị định 85/2009/NĐ-CP;
b) Các chủ đầu tư để xảy ra vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm việc xử lý các hành vi vi phạm thì người đứng đầu ngoài việc chịu xử lý vi phạm hành chính theo quy định về pháp luật đấu thầu còn bị xem xét trách nhiệm trước Bộ trưởng (hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp).