Quan hệ công tác giữa Chính phủ và các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị được quy định ra sao?
Nội dung chính
Quan hệ công tác của Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 9 Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định 39/2022/NĐ-CP quan hệ công tác của Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị như sau:
- Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ phải chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; chủ động báo cáo, giải trình về những vấn đề mà Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội quan tâm; nghiên cứu, giải quyết và trả lời chất vấn, giải trình đối với đại biểu Quốc hội, trả lời kiến nghị của cử tri, kiến nghị của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội về những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý.
- Chính phủ hướng dẫn, kiểm tra và tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp; xem xét, giải quyết kiến nghị của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.
Quan hệ công tác giữa Chính phủ và các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị được quy định ra sao? (Hình từ internet)
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có quan hệ công tác với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ như thế nào?
Theo Điều 10 Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định 39/2022/NĐ-CP Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có quan hệ công tác với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ như sau:
1. Hướng dẫn, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ công tác thuộc ngành, lĩnh vực được phân công theo quy định của pháp luật.
2. Kiến nghị với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ bãi bỏ những quy định do bộ, cơ quan đó ban hành trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc của bộ, cơ quan ngang bộ về ngành, lĩnh vực do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý. Trong trường hợp kiến nghị không được chấp thuận thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khi giải quyết công việc thuộc thẩm quyền có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của bộ, cơ quan khác phải chủ động, tích cực phối hợp có hiệu quả với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan đó:
a) Trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản thì bộ, cơ quan lấy ý kiến ghi rõ thời hạn trả lời nhưng không quá 07 ngày kể từ ngày gửi văn bản, trừ trường hợp công việc có tính chất quan trọng, phức tạp;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, đúng thời hạn về những nội dung thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan mình và những vấn đề liên quan khác; nếu quá thời hạn mà không trả lời hoặc chậm trả lời thì được xác định là đồng ý với ý kiến và đề xuất của cơ quan lấy ý kiến và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ, cơ quan lấy ý kiến tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan không trả lời hoặc chậm trả lời;
c) Khi được mời họp để lấy ý kiến, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan dự họp hoặc nếu có lý do chính đáng không dự được thì phải cử người có đủ thẩm quyền họp thay. Ý kiến của người họp thay là ý kiến chính thức của bộ, cơ quan. Ý kiến của các đại biểu dự họp được lập thành biên bản theo quyết định của người chủ trì cuộc họp;
d) Khi được mời họp để xử lý những ý kiến khác nhau về nội dung chủ yếu của đề án, công việc theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 8 Quy chế này thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan được mời có trách nhiệm tham dự hoặc trường hợp đặc biệt nếu vắng mặt có lý do phải cử cấp phó họp thay. Ý kiến của người họp thay là ý kiến chính thức của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan và được thể hiện trong hồ sơ trình Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trên đây là tư vấn về bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có quan hệ công tác với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
Quy định về quan hệ công tác giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ với chính quyền địa phương thế nào?
Tại Điều 11 Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định 39/2022/NĐ-CP quan hệ công tác giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính Phủ với chính quyền địa phương như sau:
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm giải quyết các đề nghị của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời hạn 07 ngày; trường hợp phải lấy thêm ý kiến của bộ, cơ quan khác thì không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, trừ trường hợp đột xuất, cấp bách thì phải trả lời sớm hơn theo đề nghị. Trường hợp bộ, cơ quan được đề nghị mà không giải quyết đúng thời hạn thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan được đề nghị phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ giải quyết các kiến nghị của địa phương.
2. Khi Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi văn bản, báo cáo, đề xuất, kiến nghị về các vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì phải gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, trả lời, hướng dẫn kịp thời.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ theo thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các nhiệm vụ công tác thuộc ngành, lĩnh vực quản lý hoặc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên về ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm quản lý; kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bãi bỏ những văn bản pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trái với văn bản về ngành, lĩnh vực được phân công, trường hợp không chấp hành thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Khi Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị làm việc với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ phải gửi tài liệu trước ít nhất 03 ngày làm việc. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trực tiếp hoặc phân công Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan tiếp, làm việc.
5. Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo, chuẩn bị tài liệu, bố trí lịch làm việc, dự họp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khi được yêu cầu.
6. Trường hợp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ lấy ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thời hạn trả lời ý kiến thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Trên đây là tư vấn về quy định về quan hệ công tác giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ với chính quyền địa phương