Phân tích nhân vật thầy Đuy sen trong Người thầy đầu tiên môn Ngữ văn lớp 7?
Nội dung chính
Phân tích nhân vật thầy Đuy sen trong Người thầy đầu tiên môn Ngữ văn lớp 7?
“Người thầy đầu tiên” là truyện ngắn tiêu biểu của Tri-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp khắc họa thành công hình ảnh người thầy Đuy sen đã để lại trong lòng bạn học sinh nói riêng và người đọc nói chung nhiều ấn tượng sâu sắc.
Các bạn học sinh có thể tham khảo các mẫu phân tích nhân vật thầy Đuy sen trong Người thầy đầu tiên dưới đây:
Phân tích nhân vật thầy Đuy sen - mẫu 1
Đoạn trích Người thầy đầu tiên là lời kể lại của người họa sĩ và An-tư-nai về một người thầy đầu tiên của họ và của cả ngôi làng. Đuy-sen là một người thầy tuyệt vời, không chỉ vận động các học sinh tới trường, thầy còn tự tay cõng các em nhỏ qua suối, không quản thời tiết lạnh buốt hay bị những kẻ cưỡi ngựa châm chọc. Thầy Đuy-sen quan tâm đến các học sinh và đặc biệt là An-tư-nai, mong cô bé có thể lên thành phố lớn học tập. Câu chuyện kể lại từ An-tư-nai khiến người họa sĩ đồng hương cảm thấy day dứt và muốn vẽ bức tranh thật đẹp về hai thầy trò.
Người thầy đầu tiên ca ngợi người thầy Đuy-sen với những tâm huyết, sự tận tụy và tình cảm mà thầy dành cho học sinh của mình, đặc biệt là An-tư-nai. Người thầy Đuy-sen đã thay đổi cuộc đời của cô bé An-tư-nai, người đã vun trồng ước mơ, hy vọng cho những học trò nhỏ.
Thầy Đuy-sen và cô học trò người dân tộc An-tư-nai bé bỏng, tội nghiệp hiện lên trên trang văn trong sáng, nhẹ nhàng của Ai-ma-tốp đã để lại bao rung động bồi hồi trong lòng ta một thời cắp sách. Hình ảnh một người thầy tuyệt đẹp và đáng kính là cảm nhận sâu sắc nhất của mỗi chúng ta khi đọc truyện ngắn này. Thầy Đuy-sen trẻ và nhiệt huyết, thầy yêu nghề, thật sự mong muốn những điều tốt đẹp đến với những đứa trẻ nghèo lạc hậu.
Ngay từ lần gặp đầu tiên, thầy Đuy-sen đã mỉm cười, niềm nở, mời các em vào xem trường. Đuy-sen là người thầy đầu tiên, người thầy khai tâm khai sáng cho An-tư- nai. Thầy hiền hậu, thầy yêu thương tuổi thơ. Thầy đã đốt cháy lên trong lòng các em ngọn lửa nhiệt tình khát vọng và khát vọng đi học. Khi An-tư-nai và các bạn nhỏ đến thăm trường với bao tò mò “xem thử thầy giáo đang làm gì, ở đấy cũng hay” thì thấy thầy “từ trong cửa bước ra, người bê bết đất”. Thầy khoe trường và khơi dậy mong muốn đến trường của các em nhỏ.
Không chỉ là người trực tiếp giảng dạy, ngày ngày, thầy Đuy-sen còn bế các em qua suối, lưng thì cõng, tay thì bế để các em nhỏ có thể an toàn tới trường học. Ngay cả khi bọn nhà giàu ngu xuẩn, bộ mặt láo xược lên mặt chế giễu, cười cợt, thầy vẫn lạc quan kể chuyện vui cho học sinh quên đi mọi sự. Chi tiết này thể hiện thầy là người có học thức, có sự nhẫn nại. Không chỉ không quan tâm, đôi co với những kẻ thiếu hiểu biết, thầy Đuy-sen còn không muốn học trò của mình bị ảnh hưởng bởi những câu nói của họ, tâm trạng không bị xấu đi.
Để việc qua suối bớt nguy hiểm, thầy và An-tư-nai còn cố gắng tìm gỗ làm cầu cho học sinh qua suối, thầy đi chân không, làm không ngơi tay. Nhưng khi thấy An-tư-nai ngã, thầy Đuy-sen lập tức quan tâm, quẳng tảng đá trên tay, nhảy ngay lại, đỡ lên, rồi bế chạy lên bờ, lót chiếc áo choàng đặt An-tư-nai vào đó, xoa bóp và ân cần giúp cô bé ấm lên. Đuy-sen gửi gắm mong muốn An-tư-nai có thể lên thành phố lớn theo học, bởi thầy nhìn thấy tiềm năng và sự thông minh của cô học trò nhỏ.
Ai-ma-tốp đã viết nên một truyện ngắn dưới dạng hồi ức chân thực, cảm động. Hình ảnh Đuy-sen – người thầy đầu tiên đầy mẫu mực và tuyệt vời với niềm tận tụy đáng nhớ, trở nên gần gũi trong niềm thương mến của tuổi thơ chúng ta.
Phân tích nhân vật thầy Đuy sen - mẫu 2
Người thầy đầu tiên là một trong những truyện ngắn xuất sắc của tác giả Tri-ghi-dơ Ai-ti-ma-tốp khi kể về người thầy giáo Đuy-sen với những đặc điểm nổi bật để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Hình ảnh người thầy được hiện lên qua lời kể, cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật An-tư-nai. Nhà văn đã dùng nhiều những chi tiết miêu tả để khắc họa chân dung nhân vật thầy Đuy-sen một cách chân thực và cụ thể nhất.
Khi đến vùng núi quê hương của An-tư-nai, thầy Đuy-sen còn rất trẻ. Học vấn thấy tuy chưa được cao nhưng thầy lại có trái tim dạt dào tình nhân ái và sục sôi nhiệt huyết cách mạng. Khi An-tư-nai và các bạn nhỏ đến thăm trường với bao tò mò để “xem thử thầy giáo đang làm gì, ở đấy cũng hay” thì thấy thầy “từ trong cửa bước ra, người bê bết đất”. Thầy “mỉm cười, niềm nở” quẹt mồ hôi trên mặt và ân cần hỏi các em học sinh.
Mới gặp các em nhỏ xa lạ lần đầu mà thầy đã nhìn thấy, thấu rõ cái khao khát được học hành của các em. Thầy còn “khoe” với các em về chuyện đắp lò sưởi trong mùa đông, thấy bảo tin mừng vì trường học đã làm xong và có thể học được.
Thầy Đuy-sen còn là người có tài, giàu kinh nghiệm sư phạm. Khi chỉ sau một vài phút gặp gỡ, vài câu nói nhẹ nhàng mà thầy đã chiếm lĩnh tâm hồn tuổi thơ. Thầy đã khơi gợi trong lòng các em nhỏ miền núi khao khát được đi học.
Đặc biệt với An-tư-nai, thầy nhìn thấy tâm can em, thông cảm với cảnh ngộ mồ côi của em và an ủi, khen tên của em hay, bảo em chắc là ngoan lắm. Câu nói chân tình ấy cùng với hiền hậu của thầy khiến cho An-tư-nai “thấy lòng ấm hẳn lại”.
Những hành động của thầy điển hình như: Một mình sửa sang nhà kho cũ thành lớp học; bế các em nhỏ qua suối giữa mùa đông buốt giá; kiên trì dạy chữ cho các em bất chấp hoàn cảnh thiếu thốn, khắc nghiệt; sự cô độc và cò cả ước mơ về một tương lai tươi sáng cho học trò. Cũng chính vì thế mà An-tư-nai có cảm nhận sâu sắc về lòng nhân hậu, tình yêu thương của thầy và còn ước thầy là người anh ruột của mình.
Ai-ma-tốp đã viết nên hình ảnh thầy Đuy-sen bằng tất cả sự ca ngợi và niềm yêu thương bao la. Người thầy trong truyện ngắn là người thầy của tình thương đến với tuổi thơ, đem ánh sáng cách mạng làm thay đổi mọi cuộc đời. Từ hình ảnh thầy Đuy-sen tác giả ngợi ca, trân trọng những người thầy đang ngày đêm chèo lái con đò cập bến tri thức.
Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!
Xem thêm:
>>> Hồ sơ đăng ký tham dự sát hạch kiểm định viên giáo dục và cao đẳng sư phạm bao gồm những gì?
>>> Trường hợp nào được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non?
>>> Có được vận động tài trợ chi phí giữ xe của học sinh tại trường mầm non không?
Phân tích nhân vật thầy Đuy sen trong Người thầy đầu tiên môn Ngữ văn lớp 7? (Hình ảnh từ Internet)
Định nghĩa các thể loại văn bản môn Ngữ văn trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thế nào?
Căn cứ tiểu mục 1 Mục 8 Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, định nghĩa khái niệm các loại văn bản trong chương trình môn Ngữ văn như sau:
- Văn bản biểu cảm: văn bản chủ yếu dùng để thể hiện tình cảm, cảm xúc.
- Văn bản đa phương thức: văn bản có sự phối hợp phương tiện ngôn ngữ và các phương tiện khác như kí hiệu, sơ đồ, biểu đồ, hình ảnh, âm thanh.
- Văn bản miêu tả: văn bản chủ yếu dùng để miêu tả.
- Văn bản nghị luận: văn bản chủ yếu dùng để thuyết phục người đọc (người nghe) về một vấn đề nào đó.
- Văn bản nhật dụng: văn bản chủ yếu dùng để đáp ứng nhu cầu giao tiếp hàng ngày.
- Văn bản thông tin: văn bản chủ yếu dùng để cung cấp thông tin.
- Văn bản thuyết minh: văn bản chủ yếu được dùng để giới thiệu một sự vật, hiện tượng.
- Văn bản tự sự: văn bản chủ yếu dùng để kể lại một sự việc.
Các văn bản nào bắt buộc phải có ở môn Ngữ văn cấp 2?
Căn cứ theo Mục 4 Phục lục Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định một số văn bản bắt buộc và văn bản bắt buộc lựa chọn như sau:
(1) Tác phẩm bắt buộc:
- Nam quốc sơn hà (Thời Lý)
- Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn
- Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi
- Truyện Kiều của Nguyễn Du
- Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu
- Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh
(2) Tác phẩm bắt buộc lựa chọn:
- Văn học dân gian Việt Nam
+ Chọn ít nhất 4 tác phẩm đại diện cho 4 thể loại trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam: truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười
+ Chọn ít nhất 3 bài ca dao về các chủ đề: quê hương đất nước; tình yêu, tình cảm gia đình; con người và xã hội (trữ tình hoặc trào phúng)
+ Chọn ít nhất 1 sử thi Việt Nam
+ Chọn ít nhất 1 truyện thơ của các dân tộc thiểu số Việt Nam
+ Chọn ít nhất 1 kịch bản chèo hoặc tuồng
- Văn học viết Việt Nam, chọn ít nhất 1 tác phẩm của mỗi tác giả sau:
+ Thơ Nôm, văn nghị luận của Nguyễn Trãi
+ Thơ chữ Hán của Nguyễn Du
+ Thơ Nôm của Hồ Xuân Hương
+ Thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu
+ Thơ Nôm của Nguyễn Khuyến
+ Truyện và thơ của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
+ Truyện ngắn, tiểu thuyết của Nam Cao
+ Tiểu thuyết, phóng sự của Vũ Trọng Phụng
+ Thơ của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám
+ Thơ của Tố Hữu trước và sau Cách mạng tháng Tám
+ Truyện ngắn, kí của Nguyễn Tuân
+ Kịch của Nguyễn Huy Tưởng
+ Kịch của Lưu Quang Vũ
- Văn học nước ngoài, chọn ít nhất 1 tác phẩm cho mỗi nền văn học sau: Anh, Pháp, Mĩ, Hy Lạp, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ.