10:31 - 27/09/2024

Phạm tội đánh bạc quy định tại khoản 2 Điều 248 và hình phạt bổ sung

Những quy định của pháp luật đối với trường hợp phạm tội đánh bạc thuộc khoản 1 Điều 248 và hình phạt bổ sung?

Nội dung chính

    1. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 248
     
    a) Có tính chất chuyên nghiệp
     
    Phạm tội đánh bạc có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc đánh bạc là nguồn sống chính cho mình.
     
    Việc xác định một người đánh bạc có tính chất chuyên nghiệp cũng không đơn giản, bởi lẽ việc đánh bạc là xuất phát từ các trò chơi, nhiều người đam mê tới mức không thể bỏ được như nghiện thuốc lá, nghiện rượu...Nhưng không phải trường hợp nào cũng coi hành vi đánh bạc của họ là có tính chất chuyên nghiệp; có người chơi số đề, cá độ bóng đá được cũng nhiều, thua cũng không ít, họ thường xuyên đánh bạc không thể nhớ được bao nhiêu lần. Để áp dụng thống nhất tình tiết nà khi xét xử, tại Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22-10-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn: Trường hợp đánh bạc từ năm lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống chính trị thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 248 của Bộ luật hình sự.
     
    Việc xác định một người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp chỉ căn cứ vào số lần phạm tội nhiều hay ít mà không căn cứ vào yếu tố quan trọng là lấy việc phạm tội là nguồn sống chính là không chính xác, mà còn phải căn cứ vào tính chất của hành vi và mục đích của người phạm tội, và cũng chỉ nên coi là phạm tội đánh bạc có tính chất chuyên nghiệp trong trường hợp rõ ràng như: người phạm tội không có nghề nghiệp, lấy việc đánh bạc là nguồn sống chính cho bản thân và gia đình.
     
    b) Tiền hay hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên
     
    Điểm b khoản 2 Điều 248 quy định: “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên”. Cách tính tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc phải căn cứ vào hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22-10-2010.
     
    c) Tái phạm nguy hiểm
     
    Theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự thì tái phạm nguy hiểm là trường hợp người phạm tội bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, hoặc tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý.
     
    Như vậy, đối với tội đánh bạc người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm chỉ có thể là người đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội đánh bạc, vì đối với tội phạm này không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
     
    Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, thì tội phạm nghiêm trọng.
     
    Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật; tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới hai năm tù hoặc được chuyển giao hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị trên 300 triệu đồng, có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù. Về nguyên tắc, nếu các tình tiết khác của vụ án tương tự như nhau thì số tiền hoặc hiện vật dùng đáng bạc càng lớn thì mức hình phạt càng cao và ngược lại.
     
    2. Hình phạt bổ sung
     
    Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đến ba mươi triệu đồng.

    56