08:57 - 18/12/2024

Nợ công bao gồm những loại nợ nào? Nguyên tắc quản lý nợ công theo quy định hiện nay như thế nào?

Cho tôi hỏi: Nợ công bao gồm những loại nợ nào? Nguyên tắc quản lý nợ công theo quy định hiện nay như thế nào?

Nội dung chính

    Nợ công bao gồm những loại nợ nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật Quản lý nợ công 2017, nợ công bao gồm: Nợ Chính phủ, Nợ được Chính phủ bảo lãnh và Nợ chính quyền địa phương.

    Cụ thể như sau:

    - Nợ Chính phủ là khoản nợ phát sinh từ các khoản vay trong nước, nước ngoài, được ký kết, phát hành nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ.

    + Nợ do Chính phủ phát hành công cụ nợ;

    + Nợ do Chính phủ ký kết thỏa thuận vay trong nước, nước ngoài;

    + Nợ của ngân sách trung ương vay từ quỹ dự trữ tài chính của Nhà nước, ngân quỹ nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

    - Nợ được Chính phủ bảo lãnh là khoản nợ do doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của Nhà nước vay được Chính phủ bảo lãnh.

    + Nợ của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh;

    + Nợ của ngân hàng chính sách của Nhà nước được Chính phủ bảo lãnh.

    - Nợ chính quyền địa phương là khoản nợ phát sinh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vay.

    + Nợ do phát hành trái phiếu chính quyền địa phương;

    + Nợ do vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài;

    + Nợ của ngân sách địa phương vay từ ngân hàng chính sách của Nhà nước, quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, ngân quỹ nhà nước và vay khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

    Nợ công bao gồm những loại nợ nào? Nguyên tắc quản lý nợ công theo quy định hiện nay như thế nào?

    Nợ công bao gồm những loại nợ nào? Nguyên tắc quản lý nợ công theo quy định hiện nay như thế nào? (Hình từ Internet)

    Nguyên tắc quản lý nợ công theo quy định hiện nay như thế nào?

    Nguyên tắc quản lý nợ công được thực hiện theo Điều 5 Luật Quản lý nợ công 2017 như sau:

    - Nhà nước quản lý thống nhất về nợ công, bảo đảm việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý nợ công;

    - Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô.

    - Việc đề xuất, thẩm định, phê duyệt chủ trương vay, đàm phán, ký kết thỏa thuận vay và phát hành công cụ nợ, phân bổ và sử dụng vốn vay phải đúng mục đích, hiệu quả. Vay cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.

    - Bên vay, bên vay lại, đối tượng được Chính phủ bảo lãnh chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng hạn các nghĩa vụ liên quan đối với khoản vay, khoản vay lại, khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Không chuyển khoản nợ vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, nợ được Chính phủ bảo lãnh thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.

    - Bảo đảm chính xác, tính đúng, tính đủ nợ công; công khai, minh bạch trong quản lý nợ công và gắn với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý nợ công.

    Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm ra sao trong quản lý nợ công?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Luật Quản lý nợ công 2017, trách nhiệm quản lý nợ công của các Bộ, cơ quan ngang Bộ được xác định như sau:

    - Đối với Bộ Tài chính:

    + Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nợ công;

    + Xây dựng, trình Chính phủ để trình Quốc hội quyết định, điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm; tổng mức vay và trả nợ của ngân sách nhà nước hằng năm;

    + Xây dựng, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc;

    + Xây dựng, trình Chính phủ quyết định hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ hằng năm; Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế;

    + Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chương trình quản lý nợ công 03 năm, kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm, phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế, sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để xử lý rủi ro đối với cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ, Đề án cơ cấu lại nợ, đàm phán, ký kết, phê duyệt và điều chỉnh thỏa thuận vay nước ngoài nhân danh Chính phủ, cho vay lại, cấp bảo lãnh Chính phủ đối với từng chương trình, dự án;

    + Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Chủ tịch nước quyết định đàm phán, ký kết, phê chuẩn và điều chỉnh thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước;

    + Tổ chức huy động vốn, phát hành công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường vốn trong nước và quốc tế; chủ trì tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết thỏa thuận vay thương mại, hiệp định khung, hiệp định cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ;

    + Thực hiện cấp phát vốn cho các chương trình, dự án đầu tư từ vốn vay của Chính phủ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

    + Cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

    + Thanh toán nợ gốc, lãi, phí và các chi phí liên quan đối với các khoản nợ của Chính phủ;

    + Thực hiện cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

    + Quản lý Quỹ tích lũy trả nợ;

    + Quản lý danh mục nợ, thực hiện Đề án cơ cấu lại nợ, xử lý rủi ro theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

    + Tổ chức công tác hạch toán kế toán đối với nợ Chính phủ; thống kê, báo cáo và công bố thông tin về nợ công theo quy định của pháp luật;

    + Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý nợ công.

    - Đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ khác: Phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nợ công theo phân công của Chính phủ.

    108