11:10 - 08/11/2024

Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điều tra vụ án hình sự được quy định như thế nào?

Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điều tra vụ án hình sự được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điều tra vụ án hình sự được quy định như thế nào?

    Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điều tra vụ án hình sự được quy định tại Điều 14 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018. Cụ thể là:

    1. Làm sai lệch hồ sơ vụ án; truy cứu trách nhiệm hình sự người không có hành vi phạm tội; không truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự; ra quyết định trái pháp luật; ép buộc người khác làm trái pháp luật; làm lộ bí mật Điều tra vụ án; can thiệp trái pháp luật vào việc Điều tra vụ án hình sự.

    2. Bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

    3. Cản trở người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa, trợ giúp pháp lý; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.

    4. Cản trở người bào chữa, người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện việc bào chữa, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

    5. Chống đối, cản trở hoặc tổ chức, lôi kéo, xúi giục, kích động, cưỡng bức người khác chống đối, cản trở hoạt động Điều tra hình sự; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người thi hành công vụ trong Điều tra hình sự.

    Giai đoạn điều tra có vị trí rất quan trọng trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Do đó, đòi hỏi cơ quan điều tra trong quá trình thực hiện hoạt động điều tra phải đảm bảo điều tra đúng, đủ theo trình tự tố tụng hình sự. Cơ quan điều tra phải xác định đầy đủ, chính xác, khách quan các dấu hiệu tội phạm trong hành vi để quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự, tránh trường hợp truy cứu sai dẫn đến oan sai.

    Hỏi cung bị can là một biện pháp điều tra theo trình tự luật định đối với một người đã bị khởi tố về hình sự (bị can) nhằm làm rõ sự thật về hành vi phạm tội của họ và của những người đồng phạm. Khi tiến hành hỏi cung bị can, Điều tra viên phải quán triệt nguyên tắc thận trọng, khách quan, không được bức cung, dùng nhục hình, các hành vi tác động đến thể xác tinh thần của bị can.

    Bức cung là bức ép bị can phải khai báo, khai không đúng sự thật, khai theo ý muốn chủ quan của Điều tra viên bằng việc dùng những thủ đoạn, phương pháp hỏi cung trái pháp luật như: đe dọa dùng nhục hình; đe dọa bắt giam bị can (đang tại ngoại) hoặc người thân của bị can; đe dọa, khống chế về tinh thần.…

    Dùng nhục hình là tra tấn, đánh đập hoặc dùng các thủ đoạn thô bạo khác làm cho bị can bị đau đớn về thể xác, hoảng loạn về tinh thần mà phải khai báo không đúng sự thật hoặc khai báo theo ý muốn chủ quan của Điều tra viên, Kiểm sát viên.... Pháp luật nghiêm cấm bức cung và dùng nhục hình trong khi hỏi cung vì những việc làm trái pháp luật này không những xâm phạm đến sức khỏe, nhân phẩm của bị can, mà còn làm sai lệch sự thật vụ án, dẫn đến oan sai. Các cá nhân có hành vi bức cung, nhục hình phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 373 Bộ Luật Hình sự 2015 .

    Người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can có quyền được tự bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa; cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nai, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật; cá nhân, tổ chức được bồi thường nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra về vật chất và tinh thần; luật sư được người bị tạm giữ, tạm giam, bị can nhờ bào chữa có quyền bào chữa. Mọi cá nhân, tổ chức không được cản trở cá nhân, tổ chức thực hiện quyền của mình. Mọi hành vi cản trở cá nhân, tổ chức thực hiện quyền của mình đều là vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

    Các cá nhân, tổ chức phải có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, quyết định và tạo điều kiện thuận lợi để Cơ quan Điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, người có thẩm quyền điều tra hình sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động điều tra vụ án hình sự. Cá nhân, tổ chức không được chống đối, cản trở, kích động, chống đối, cản trở, chống đối người thi hành công vụ làm chậm tiến độ điều tra vụ án hình sự. Mọi hành vi chống đối, cản trở đều vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

    Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điều tra vu án hình sự. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm quy định tại Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015.

    Trân trọng!

    6