Những đối tượng nào sẽ được hưởng phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng khi thực hiện cải cách tiền lương 2024 theo nghị quyết 27?
Nội dung chính
Những đối tượng nào sẽ được hưởng phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng khi thực hiện cải cách tiền lương 2024?
Phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng được quy định tại điểm đ khoản 8 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, loại phụ cấp này áp dụng với những đối tượng làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và cơ yếu nhưng không thuộc diện xếp lương theo:
- Bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân;
- Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân và chuyên môn kỹ thuật thuộc công an nhân dân.
Cũng tại Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP, mức phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng được tính theo 02 mức là: 30% và 50% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Đồng thời, theo hướng dẫn chi tiết tại khoản 4 Điều 7 Thông tư 07/2017/TT-BNV mức phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng được quy định như sau:
- Mức 50%: Công chức, viên chức kể cả những người làm việc theo chế độ hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, trực tiếp làm việc trong các đơn vị sản xuất tài liệu, sản xuất và lắp ráp máy mã, trang thiết bị kỹ thuật mật mã;
- Mức 30%: Các đối tượng công chức, viên chức còn lại hưởng lương từ ngân sách Nhà nước làm việc trong tổ chức cơ yếu.
Trong đó, các loại phụ cấp này được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 có đề cập đến việc tiếp tục áp dụng phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng. Do đó, những đối tượng đang được hưởng phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng thì có thể vẫn sẽ được tiếp tục hưởng khoản phụ cấp này sau khi cải cách tiền lương.
Những đối tượng nào sẽ được hưởng phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng khi thực hiện cải cách tiền lương 2024 theo nghị quyết 27? (Hình từ Internet)
Lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 thế nào?
Tại Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 đưa ra lộ trình thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 như sau:
- Đối với khu vực công:
+ Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.
+ Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
+ Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.
+ Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
+ Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.
- Đối với khu vực doanh nghiệp:
+ Từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.
+ Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến năm 2025 và tiến tới giao khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vào năm 2030.
Khi nào cải cách tiền lương?
Chiều ngày 19/9/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023, trong đó nhấn mạnh đến việc sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024.
"Đây là cải cách chứ không phải tăng lương bình thường. Nếu không có gì thay đổi, thời điểm chúng ta có thể áp dụng là từ 1-7-2024"
Đồng thời, tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị, trong đó về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 - 2024 nhấn mạnh việc xác định rõ ràng sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 01/7/2024.
Ngày 10/11, với đa số đại biểu tán thành (94,33%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Cụ thể, Nghị quyết nêu rõ:
"Từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII."
Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước.
Đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua thời điểm cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024 theo Nghị quyết 27-NQ/TW 2018.