Nhà thầu để người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật về an toàn trong thi công xây dựng công trình sẽ bị xử phạt thế nào?
Nội dung chính
Để người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật về an toàn trong thi công xây dựng công trình thì nhà thầu, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng bị xử phạt thế nào?
Căn cứ vào Điều 32 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 32. Vi phạm quy định về an toàn trong thi công xây dựng công trình
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không có sổ nhật ký an toàn lao động hoặc sổ nhật ký không ghi chép đầy đủ theo quy định.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Để người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật an toàn hoặc vi phạm các quy định về sử dụng dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân tham gia lao động trong thi công xây dựng công trình;
…
4. Biện pháp khắc phục hậu quả (đối với công trình đang thi công xây dựng):
a) Buộc lập kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động theo quy định, lập các biện pháp đảm bảo an toàn chi tiết với những công việc có nguy cơ mất an toàn lao động cao với các hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
b) Buộc sử dụng thiết bị thi công có đầy đủ giấy tờ lưu hành, vận hành, được kiểm định theo quy định với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;
c) Buộc có biển cảnh báo đề phòng tai nạn, bố trí người hướng dẫn tại những vị trí nguy hiểm trên công trường với hành vi quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;
d) Buộc bố trí người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động, huấn luyện, hướng dẫn về an toàn lao động cho người lao động với hành vi quy định tại điểm đ, điểm e khoản 2 Điều này;
đ) Buộc lập, trình chủ đầu tư chấp thuận biện pháp đảm bảo an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình với hành vi quy định tại điểm g khoản 2 Điều này;
e) Buộc quy định cụ thể biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trong biện pháp thi công với hành vi quy định tại điểm h khoản 2 Điều này;
g) Buộc thực hiện đúng phương án, giải pháp phá dỡ theo quy định với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
h) Buộc mua bảo hiểm theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.”
Như vậy, căn cứ vào hành vi vi phạm quy định về an toàn trong thi công xây dựng công trình của nhà thầu, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng để xác định mức xử phạt hành chính phù hợp theo quy định nêu trên.
Theo đó, hành vi để người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật về an toàn trong thi công xây dựng công trình thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Ngoài việc bị xử phạt hành chính thì căn cứ vào hành vi vi phạm để xác định biện pháp khắc phục hậu quả (đối với công trình đang thi công xây dựng) tương ứng với hành vi vi phạm theo quy định nêu trên.
Mức xử phạt hành chính theo quy định trên chỉ áp dụng đối với tổ chức vi phạm. Trường hợp cá nhân vi phạm thì mức xử phạt hành chính sẽ bằng 1/2 so với tổ chức.
Nhà thầu để người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật về an toàn trong thi công xây dựng công trình sẽ bị xử phạt thế nào?
Những yêu cầu về an toàn trong thi công xây dựng công trình theo quy định hiện nay?
Căn cứ vào Điều 115 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 43 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) quy định như sau:
“Điều 115. An toàn trong thi công xây dựng công trình
1. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong quá trình thi công xây dựng công trình, phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường.
2. Chủ đầu tư phải tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng; tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn, có sự cố gây mất an toàn công trình; phối hợp với các nhà thầu xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn lao động; thông báo kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra sự cố công trình, tai nạn lao động gây chết người.
3. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình; tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận biện pháp bảo đảm an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình; rà soát biện pháp bảo đảm an toàn định kỳ, đột xuất để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế thi công trên công trường.
4. Trường hợp vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng, chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo cơ quan chuyên môn về xây dựng biện pháp bảo đảm an toàn đã được chấp thuận để kiểm tra trong quá trình thi công xây dựng.
5. Máy, thiết bị, vật tư phục vụ thi công xây dựng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Theo đó, khi tiến hành thi công xây dựng công trình thì nhà thầu, chủ đầu tư cần phải đảm bảo yêu cầu, trách nhiệm về an toàn trong thi công xây dựng công trình theo quy định trên.
An toàn trong thi công xây dựng là một trong những nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng?
Căn cứ vào Điều 66 Luật Xây dựng 2014 quy định như sau:
“Điều 66. Nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng
1. Nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng gồm quản lý về phạm vi, kế hoạch công việc; khối lượng công việc; chất lượng xây dựng; tiến độ thực hiện; chi phí đầu tư xây dựng; an toàn trong thi công xây dựng; bảo vệ môi trường trong xây dựng; lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng; quản lý rủi ro; quản lý hệ thống thông tin công trình và các nội dung cần thiết khác được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện hoặc giao Ban quản lý dự án, tư vấn quản lý dự án, tổng thầu (nếu có) thực hiện một phần hoặc toàn bộ các nội dung quản lý dự án quy định tại khoản 1 Điều này.”
Như vậy, an toàn trong thi công xây dựng là một trong những nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng theo quy định nêu trên.