15:08 - 14/12/2024

Nguyên tắc và quyền hạn của cảnh sát giao thông khi thực hiện tuần tra, kiểm soát gồm những gì?

Nguyên tắc và quyền hạn của cảnh sát giao thông khi thực hiện tuần tra, kiểm soát. Căn cứ dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để tuần tra, kiểm soát theo quy định.

Nội dung chính

    Nguyên tắc và quyền hạn của cảnh sát giao thông khi thực hiện tuần tra, kiểm soát gồm những gì?

    Nguyên tắc khi thực hiện tuần tra, kiểm soát 

    Tại khoản 6 Điều 65 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ 01/01/2025) các nguyên tắc Cành sát giao thông phải tuân thủ khi thực hiện tuần tra, kiểm soát giao thông như sau:

    (1) Chấp hành quy định của pháp luật và mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cấp có thẩm quyền;

    (2) Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

    (3) Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác;

    (4) Chịu trách nhiệm về quyết định, hành vi của mình theo quy định của pháp luật.

    Quyền hạn của Cảnh sát giao thông khi thực hiện tuần tra, kiểm soát 

    Quyền hạn của Cảnh sát giao thông khi thực hiện tuần tra, kiểm soát được quy định tại khoản 5 Điều 65 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, cụ thể như sau:

    (1) Dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 66 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 để kiểm tra việc chấp hành các quy định về quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện của phương tiện tham gia giao thông đường bộ; điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan;

    (2) Xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật;

    (3) Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách; di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 68 và Điều 69 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 ;

    (4) Vận hành, sử dụng hệ thống, phương tiện, thiết bị, dữ liệu theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 67 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 70 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024;

    (5) Quyền hạn khác theo quy định của Luật Công an nhân dân 2018 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Nguyên tắc và quyền hạn của Cảnh sát giao thông khi thực hiện tuần tra, kiểm soát

    Nguyên tắc và quyền hạn của Cảnh sát giao thông khi thực hiện tuần tra, kiểm soát (Hình ảnh Internet)

    Dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để tuần tra, kiểm soát dựa trên căn cứ nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 66 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ 01/01/2025) thì khi cảnh sát giao thông muốn dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát khi có một trong các căn cứ sau đây:

    (1) Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hoặc vi phạm pháp luật khác;

    (2) Thực hiện theo mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cấp có thẩm quyền để phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát mới phát hiện được;

    (3) Phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh;

    (4) Có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác.

    Quy định về hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông khi đang ngồi trên phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát cơ động?

    Căn cứ khoản 3 Điều 13 Thông tư 73/2024/TT-BCA quy định về hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông khi đang ngồi trên phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát cơ động như sau:

    - Trường hợp phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát đi cùng chiều và ở phía trước phương tiện giao thông cần kiểm soát

    Cán bộ Cảnh sát giao thông cầm gậy chỉ huy giao thông đưa sang ngang phía bên phải hoặc bên trái phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát (tùy theo phần đường, làn đường phương tiện giao thông cần kiểm soát đang lưu thông), sau đó đưa lên theo phương thẳng đứng, vuông góc với mặt đất; sử dụng còi, loa, phát tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông cần kiểm soát dừng vào vị trí phù hợp, an toàn để kiểm soát. Người điều khiển phương tiện giao thông khi nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ và dừng phương tiện giao thông vào vị trí theo hướng dẫn của cán bộ Cảnh sát giao thông;

    - Trường hợp phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát đi cùng chiều và ở phía sau phương tiện giao thông cần kiểm soát

    Cán bộ Cảnh sát giao thông sử dụng loa, phát tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát; hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông cần kiểm soát dừng vào vị trí phù hợp, an toàn để kiểm soát. Trường hợp cần thiết, nếu bảo đảm an toàn, phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát có thể vượt lên phía trước phương tiện giao thông cần kiểm soát và thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông theo quy định tại điểm a khoản này. Người điều khiển phương tiện giao thông khi nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ và dừng phương tiện giao thông vào vị trí theo hướng dẫn của cán bộ Cảnh sát giao thông.

    Lưu ý: Thông tư 73/2024/TT-BCA  có hiệu lực từ 01/01/2025.

    5