Nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại khu kinh tế cửa khẩu
Nội dung chính
Nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại khu kinh tế cửa khẩu được quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 03/2016/TTLT-BCA-BQP hướng dẫn việc nhập, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài và kiểm tra, kiểm soát, giám sát phương tiện vận tải hàng hóa nước ngoài vào, ra khu kinh tế cửa khẩu và cảng biển thuộc khu kinh tế do Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Quốc phòng ban hành như sau:
- Người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu được tạm trú không quá 15 ngày.
- Người nước ngoài được tạm trú ở cơ sở lưu trú tại khu kinh tế cửa khẩu trừ khu vực cấm, khu vực tạm dừng các hoạt động trong khu vực biên giới đất liền hoặc vùng cấm, khu vực hạn chế hoạt động trong khu vực biên giới biển.
- Đối với công dân Trung Quốc sử dụng hộ chiếu phổ thông điện tử thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Công an.
- Người nước ngoài nhập cảnh khu kinh tế cửa khẩu nào được đóng dấu khu kinh tế cửa khẩu đó (thực hiện theo mẫu số 01/KC ban hành kèm theo Thông tư này).
- Người nước ngoài sử dụng hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế thuộc diện đối tượng nêu tại Thông tư này, đang tạm trú tại khu kinh tế cửa khẩu nếu có nhu cầu đi du lịch ra khu vực khác của Việt Nam phải được doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam bảo lãnh làm thủ tục với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an xét cấp thị thực.
- Người nước ngoài sử dụng giấy thông hành biên giới hoặc giấy tờ khác nêu tại Khoản 1 Điều 3 nhập cảnh nếu có nhu cầu đi đến các địa điểm khác trong tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu phải được doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam bảo lãnh làm thủ tục với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an xét cấp giấy phép tham quan (thực hiện theo mẫu số 03/GP ban hành kèm theo Thông tư này). Không giải quyết cho tham quan du lịch các địa phương khác trong nội địa Việt Nam.
Trên đây là nội dung quy định về nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại khu kinh tế cửa khẩu. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 03/2016/TTLT-BCA-BQP.
Trân trọng!