Người sử dụng đất có được ghi nhận nhiều thửa đất trong một cuốn sổ hồng không?
Nội dung chính
Người sử dụng đất có được ghi nhận nhiều thửa đất trong một cuốn sổ Hồng không?
Tại khoản 1 Điều 135 Luật Đất đai 2024 có quy định về nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:
Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp theo từng thửa đất cho người có quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu và đủ điều kiện theo quy định của Luật này. Trường hợp người sử dụng đất đang sử dụng nhiều thửa đất nông nghiệp tại cùng 01 xã, phường, thị trấn mà có yêu cầu thì được cấp 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất chung cho các thửa đất đó.
...
Theo đó, trong trường hợp người sử dụng đất đang sử dụng nhiều thửa đất nông nghiệp tại cùng một xã, phường, thị trấn mà có yêu cầu thì sẽ được cấp một sổ Hồng chung cho các thửa đất đó.
Người sử dụng đất có được ghi nhận nhiều thửa đất trong một cuốn sổ Hồng không? (Hình từ Internet)
Có giới hạn độ tuổi được đứng tên trên sổ Hồng không?
Tại Điều 134 Luật Đất đai 2024 có quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mẫu thống nhất trong cả nước.
2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Đồng thời, căn cứ quy định tại Điều 32 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT có quy định về Thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:
Thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất
1. Đối với cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì thể hiện các thông tin: “Ông” hoặc “Bà”, họ và tên, tên và số giấy tờ nhân thân.
Cá nhân nước ngoài hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thể hiện các thông tin: “Ông” hoặc “Bà”, họ và tên, quốc tịch, tên và số giấy tờ nhân thân.
2. Đối với vợ và chồng có chung tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì thể hiện các thông tin: “Bà” hoặc “Ông”, họ và tên, tên và số giấy tờ nhân thân của vợ hoặc chồng và thể hiện: “và chồng (hoặc vợ):... (thể hiện thông tin của chồng (hoặc vợ))”.
Trường hợp có thoả thuận của vợ và chồng đồng ý ghi tên vợ hoặc tên chồng là đại diện đứng tên trên Giấy chứng nhận thì thể hiện: “Bà” hoặc “Ông”, họ và tên, tên và số giấy tờ nhân thân, tiếp theo thể hiện: “là đại diện cho vợ và chồng”.
...
Theo đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước.
Hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể về độ tuổi được đứng tên trên sổ Hồng. Tuy nhiên, thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của Giấy chứng nhận có thể ghi số giấy khai sinh khi chưa có thẻ Căn cước. Từ đây có thể hiểu rằng công dân được đứng tên trên sổ Hồng mà không bị giới hạn độ tuổi.
Có giới hạn số người sử dụng đất đứng tên trên sổ Hồng không?
Tại khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai 2024 có quy định về nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:
Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
...
2. Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung tài sản gắn liền với đất thì cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; trường hợp những người có chung quyền sử dụng đất, chung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có yêu cầu thì cấp chung 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và trao cho người đại diện.
...
Theo đó, pháp luật không giới hạn số người đứng tên trên sổ Hồng, khi thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì sổ Hồng phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất.