Người mua nhà ở trả góp chết thì người thừa kế có phải tiếp tục trả góp?
Nội dung chính
Người mua nhà ở trả góp chết thì người thừa kế có phải tiếp tục trả góp?
Tại Điều 125 Luật Nhà ở 2014 quy định mua bán nhà ở trả chậm, trả dần như sau:
1. Việc mua bán nhà ở trả chậm, trả dần do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng mua bán nhà ở; trong thời gian trả chậm, trả dần, bên mua nhà ở được quyền sử dụng nhà ở và có trách nhiệm bảo trì nhà ở đó, trừ trường hợp nhà ở còn trong thời hạn bảo hành theo quy định của Luật này hoặc các bên có thỏa thuận khác.
2. Bên mua nhà ở trả chậm, trả dần chỉ được thực hiện các giao dịch mua bán, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn nhà ở này với người khác sau khi đã thanh toán đủ tiền mua nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trường hợp trong thời hạn trả chậm, trả dần mà bên mua nhà ở chết thì người thừa kế hợp pháp được thực hiện tiếp các quyền, nghĩa vụ của bên mua nhà ở và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận sau khi người thừa kế đã trả đủ tiền mua nhà cho bên bán.
3. Trường hợp bên mua nhà ở có nhu cầu trả lại nhà ở đã mua trong thời gian trả chậm, trả dần và được bên bán nhà ở đồng ý thì hai bên thỏa thuận phương thức trả lại nhà ở và việc thanh toán lại tiền mua nhà ở đó.
Như vậy, theo quy định trên khi bạn được nhận thừa kế ngôi nhà mà bố bạn đã mua nhưng đang trả góp thì bạn vẫn phải tiếp tục nghĩa vụ trả góp cho ngôi nhà đấy. Bạn sẽ được nhà nước cấp Giấy chứng nhận sau khi bạn đã thanh toán đủ tiền mua nhà cho người bán.
Người thừa kế không đủ tiền tiếp tục trả góp cho ngôi nhà mà người mua trả góp chết thì hợp đồng mua bán được giải quyết như thế nào?
Theo Điều 615 Bộ luật dân sự 2015 quy định thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Do đó, khi bạn không còn đủ khả năng để trả góp cho ngôi nhà mà bạn được thừa kế từ bố thì bạn chỉ trả góp trong phạm vi di sản do bố bạn để lại. Hợp đồng mua bán nhà của bố bạn và người bán sẽ được bạn chi trả đến mức trong phạm vi di sản bạn nhận được.
Để được công nhận quyền sở hữu nhà ở thì cần đáp ứng những điều kiện gì?
Căn cứ Điều 8 Luật Nhà ở 2014 quy định điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở như sau:
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật này.
2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:
a) Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;
c) Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 159 của Luật này.
Như vậy, để được công nhận quyền sở hữu nhà ở thì cần đáp ứng được những điều kiện đã được nêu trên.