Thứ 5, Ngày 14/11/2024
14:34 - 06/11/2024

Người lao động được nghỉ giữa giờ trong bao lâu?

Người lao động được nghỉ giữa giờ trong bao lâu? Người sử dụng lao động không cho lao động nghỉ giữa giờ bị phạt nhiều nhất bao nhiêu tiền? Người lao động được nghỉ bao nhiêu tiếng hằng tuần?

Nội dung chính

    Người lao động được nghỉ giữa giờ trong bao lâu?

    Căn cứ theo Điều 109 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ trong giờ làm việc như sau:

    Nghỉ trong giờ làm việc
    1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
    Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.
    2. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.

    Theo quy định này, thời gian nghỉ giữa giờ của người lao động được xác định như sau:

    Trường hợp người lao động làm việc theo thời giờ làm việc bình thường từ 06 giờ trở lên trong một ngày:

    - Được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục làm việc ban ngày;

    - Được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục làm việc ban đêm;

    Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.

    Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ, người lao động còn được bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và được ghi cụ thể trong nội quy lao động.

    Người lao động được nghỉ giữa giờ trong bao lâu? (Hình từ Internet)

    Người sử dụng lao động không cho lao động nghỉ giữa giờ bị phạt nhiều nhất bao nhiêu tiền?

    Căn cứ theo khoản 4 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như sau:

    Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
    ...
    4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
    a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
    b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
    c) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
    d) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
    đ) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

    Theo đó, người sử dụng lao động không cho lao động nghỉ giữa giờ có thể bị xử phạt hành chính với các mức phạt tiền sau đây:

    Trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân:

    - Bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

    - Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

    - Bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

    - Bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

    - Bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng nếu vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

    Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì sẽ chịu mức phạt gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cho cùng một hành vi vi phạm, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

    Như vậy, có thể thấy đối với cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền nhiều nhất là 75.000.000 đồng. Tổ chức vi phạm có thể bị phạt tiền với mức nhiều nhất lên đến 150.000.000 đồng.

    Người lao động được nghỉ bao nhiêu tiếng hằng tuần?

    Theo Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ hằng tuần như sau:

    Nghỉ hằng tuần
    1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
    2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
    3. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.

    Như vậy, người lao động được nghỉ ít nhất 24 tiếng liên tục mội tuần. Nếu do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.