08:13 - 23/12/2024

Ngày 22 tháng 12 Sĩ quan Quân đội có được nghỉ không?

Ngày 22 tháng 12 là Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam hay ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam? Tiêu chuẩn của sĩ quan Quân đội được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Ngày 22 tháng 12 là Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam hay ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam?

    Căn cứ khoản 1 Điều 25 Luật Quốc phòng 2018 quy định về quân đội nhân dân như sau:

    Quân đội nhân dân
    1. Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân có Bộ đội chủ lực và Bộ đội địa phương.
    Ngày 22 tháng 12 hằng năm là ngày truyền thống của Quân đội nhân dân, ngày hội quốc phòng toàn dân.
    2. Quân đội nhân dân có chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lao động sản xuất, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước; thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
    ...

    Đồng thời, căn cứ Mục 1 Chương V Thông tư 199/2016/TT-BQP quy định:

    KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22-12-1944, NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22-12-1989)
    Tổ chức kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ngày hội Quốc phòng toàn dân
    1. Năm khác:
    a) Các đơn vị tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thi đua, cổ động trực quan, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng kỷ niệm;
    b) Các cơ quan thông tấn, báo chí trong Quân đội tổ chức tuyên truyền, đưa tin về sự kiện.
    ...

    Theo đó, ngày 22 tháng 12 hàng năm được xác định là ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là ngày hội quốc phòng toàn dân.

    Ngoài ra, ngày 22 tháng 12 hàng năm cũng được tổ chức kỷ niệm là Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944) và Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989).

    Ngày 22 tháng 12 là Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam hay ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam?

    Ngày 22 tháng 12 là Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam hay ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam? (Hình từ internet)

    Ngày 22 tháng 12 Sĩ quan Quân đội có được nghỉ không?

    Theo Điều 6 Thông tư 153/2017/TT-BQP quy định về nghỉ ngày lễ, tết với sĩ quan tại ngũ trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng như sau:

    Nghỉ ngày lễ, tết
    1. Hằng năm, sĩ quan được nghỉ ngày lễ, tết theo quy định của Bộ luật Lao động và ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22 tháng 12).
    2. Đối với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện hoặc do yêu cầu nhiệm vụ việc nghỉ ngày lễ, tết do chỉ huy đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên căn cứ vào tình hình nhiệm vụ đơn vị thực hiện cho phù hợp.

    Như vậy, sĩ quan tại ngũ trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng được nghỉ vào ngày 22 tháng 12, là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, đối với các đơn vị có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện hoặc yêu cầu nhiệm vụ đặc biệt, việc nghỉ lễ sẽ được quyết định bởi chỉ huy đơn vị cấp trung đoàn và tương đương dựa trên tình hình nhiệm vụ của đơn vị.

    Tiêu chuẩn của sĩ quan Quân đội được quy định như thế nào?

    Theo Điều 12 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 quy định về tiêu chuẩn của sĩ quan Quân đội như sau:

    (1) Tiêu chuẩn chung:

    - Có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao;

    - Có phẩm chất đạo đức cách mạng; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy dân chủ, giữ nghiêm kỷ luật quân đội; tôn trọng và đoàn kết với nhân dân, với đồng đội; được quần chúng tín nhiệm;

    - Có trình độ chính trị, khoa học quân sự và khả năng vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước vào nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội nhân dân; có kiến thức về văn hoá, kinh tế, xã hội, pháp luật và các lĩnh vực khác; có năng lực hoạt động thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; tốt nghiệp chương trình đào tạo theo quy định đối với từng chức vụ;

    - Có lý lịch rõ ràng, tuổi đời và sức khoẻ phù hợp với chức vụ, cấp bậc quân hàm mà sĩ quan đảm nhiệm.

    (2) Tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức vụ của sĩ quan do cấp có thẩm quyền quy định.

    Nghĩa vụ và trách nhiệm của Sĩ quan quân đội được quy định như thế nào?

    Theo Điều 26 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 thì sĩ quan có nghĩa vụ sau đây:

    (1) Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tham gia xây dựng đất nước, bảo vệ tài sản và lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức; bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân;

    (2) Thường xuyên giữ gìn và trau dồi đạo đức cách mạng, học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực về chính trị, quân sự, văn hoá, chuyên môn và thể lực để hoàn thành nhiệm vụ;

    (3) Tuyệt đối phục tùng tổ chức, phục tùng chỉ huy; nghiêm chỉnh chấp hành điều lệnh, điều lệ, chế độ, quy định của quân đội; giữ bí mật quân sự, bí mật quốc gia;

    (4) Thường xuyên chăm lo lợi ích vật chất và tinh thần của bộ đội;

    (5) Gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tôn trọng và gắn bó mật thiết với nhân dân.

    Đồng thời, căn cứ theo Điều 27 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 quy định sĩ quan Quân đội có trách nhiệm sau đây:

    (1) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về những mệnh lệnh của mình, về việc chấp hành mệnh lệnh của cấp trên và việc thừa hành nhiệm vụ của cấp dưới thuộc quyền;

    (2) Lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ của đơn vị theo chức trách được giao; bảo đảm cho đơn vị chấp hành triệt để đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, chế độ, quy định của quân đội, sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào;

    (3) Khi nhận mệnh lệnh của người chỉ huy, nếu sĩ quan có căn cứ cho là mệnh lệnh đó trái pháp luật thì phải báo cáo ngay với người ra mệnh lệnh; trong trường hợp vẫn phải chấp hành mệnh lệnh thì báo cáo kịp thời lên cấp trên trực tiếp của người ra mệnh lệnh và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành mệnh lệnh đó.

    43