Đề nghị giữ nguyên tên gọi các di sản văn hóa sau khi sáp nhập tỉnh
Nội dung chính
Đề nghị giữ nguyên tên gọi các di sản văn hóa sau khi sáp nhập tỉnh
Ngày 07/04/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn 1445/BVHTTDL-DSVH hướng dẫn rà soát, điều chỉnh và thực hiện xác định đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp có di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và các vấn đề khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL.
Theo đó, tại Công văn 1445/BVHTTDL-DSVH Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ĐVHC hình thành sau sắp xếp đối với một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch như sau:
ĐVHC sau sắp xếp có di sản văn hóa được công nhận, xếp hạng, ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh/thành phố (sau đây gọi chung là di tích); di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục disản văn hóa phi vật thể quốc gia; bảo vật quốc gia, thực hiện các nội dung sau:
1. Về di tích:
- Giữ nguyên tên gọi các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh/thành phố đã được công nhận, xếp hạng để không làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích cũng như giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Công ước năm 1972 về việc bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO. Đồng thời, cập nhật địa danh gắn với di tích theo ĐVHC mới được sắp xếp.
- Rà soát, điều chỉnh tên gọi, địa danh, địa chỉ mới của tổ chức, Ban/Trung tâm quản lý di tích có liên quan trực tiếp đến đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
- Tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các Điều ước quốc tế tại các Công ước của UNESCO mà Việt Nam đã ký kết liên quan đến di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
- Bảo đảm phải có tổ chức, người đại diện chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo vệ, trông nom di tích. Không để tình trạng không có hoặc không rõ người chịu trách nhiệm trực tiếp.
- Kiện toàn bộ máy quản lý di tích đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ di tích. Ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thuộc thẩm quyền của ĐVHC cấp xã sau sắp xếp.
- Rà soát các hồ sơ khoa học di tích được lưu trữ tại Ủy ban nhân dân cấp xã (quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh và Thông tư số 18/2022/TT-BVHTTDL ngày 28 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL) để có cơ sở quản lý di tích theo thẩm quyền. Đặc biệt lưu ý thành phần Biên bản và Bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã trước sắp xếp để thống nhất quản lý về đất đai. Trường hợp không còn lưu trữ, đề nghị yêu cầu sao y từ cơ quan quản lý cấp trên.
2. Về di sản văn hóa phi vật thể:
- Giữ nguyên tên gọi di sản để không làm thay đổi giá trị lịch sử, văn hoá và khoa học của di sản; rà soát hồ sơ khoa học của di sản để thống nhất phạm vi phân bố, lan toả của di sản để có cơ sở quản lý theo thẩm quyền.
- Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về di sản văn hóa phi vật thể và Công ước 2003 về bảo vệ disản văn hoá phi vật thể của UNESCO.
3. Về bảo vật quốc gia: Rà soát, xác định và điều chỉnh ĐVHC nơi đang lưu giữ bảo vật quốc gia so với tên ĐVHC trong Quyết định công nhận bảo vật quốc gia của Thủ tướng Chính phủ
Theo đó, Công văn 1445/BVHTTDL-DSVH đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương giữ nguyên tên gọi các di sản văn hóa sau khi sáp nhập tỉnh
Đề nghị giữ nguyên tên gọi các di sản văn hóa sau khi sáp nhập tỉnh(Hình từ Internet)
Nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
Căn cứ tại Điều 6 Luật Di sản văn hóa 2024 quy định nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa như sau:
1. Mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam, có xuất xứ ở trong nước hoặc từ nước ngoài, thuộc các hình thức sở hữu đều được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân.
3. Di sản văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài được bảo hộ theo luật pháp quốc tế và theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, hài hòa với quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cộng đồng, cá nhân; tôn trọng sự đa dạng văn hóa, sự đối thoại giữa các cộng đồng và tính đặc thù dân tộc, vùng, miền.
5. Ưu tiên bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, các dân tộc thiểu số rất ít người và những di sản văn hóa có giá trị toàn cộng đồng, xã hội.
6. Bảo đảm giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích và tính nguyên gốc của di sản tư liệu; giá trị và hình thức thể hiện vốn có của di sản văn hóa phi vật thể.
7. Tôn trọng quyền của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể và nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể trong việc quyết định các yếu tố cần được bảo vệ và hình thức, mức độ cần được phát huy của di sản văn hóa; xác định nguy cơ, tác động đe dọa sự tồn tại và lựa chọn giải pháp bảo vệ di sản văn hóa.
8. Lồng ghép việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng, địa phương.