Mỹ rút khỏi WHO: WHO là gì? Việt Nam có tham gia WHO không?
Nội dung chính
Mỹ rút khỏi WHO: WHO là gì? Mục tiêu chính của WHO là gì?
Ngày 20/1/2025, ông Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi WHO - Tổ chức Y tế thế giới.
WHO là viết tắt của World Health Organization (Tổ chức Y tế Thế giới). Đây là một cơ quan chuyên môn thuộc Liên Hợp Quốc, chịu trách nhiệm về các vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu. WHO được thành lập vào ngày 7 tháng 4 năm 1948, với trụ sở chính đặt tại Geneva, Thụy Sĩ.
WHO có 194 thành viên, bao gồm tất cả các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc. WHO hoạt động trên toàn thế giới thông qua mạng lưới các văn phòng và đại diện tại hơn 150 quốc gia.
Mục tiêu chính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bao gồm:
Thúc đẩy sức khỏe toàn cầu: Hỗ trợ các quốc gia nâng cao chất lượng hệ thống y tế, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh: Theo dõi, phát hiện sớm và ứng phó kịp thời với các mối đe dọa sức khỏe như đại dịch và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật: Chia sẻ kiến thức chuyên môn, cung cấp dữ liệu và chuyển giao công nghệ nhằm giúp các quốc gia cải thiện tình trạng y tế và sức khỏe.
Thiết lập tiêu chuẩn y tế quốc tế: Xây dựng các chuẩn mực toàn cầu về an toàn thực phẩm, thuốc, vắc xin và các lĩnh vực y tế liên quan, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho mọi người.
Mỹ rút khỏi WHO: WHO là gì? Việt Nam có tham gia WHO không? (Hình từ Internet)
Việt Nam có tham gia WHO không?
Việt Nam trở thành quốc gia Thành viên của WHO kể từ ngày 17 tháng 5 năm 1950. WHO là một trong những cơ quan đầu tiên của Liên Hiệp Quốc hỗ trợ trực tiếp ngành y tế Việt Nam ngay từ khi chiến tranh kết thúc và thống nhất đất nước.
WHO thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội năm 1977 và chi nhánh văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2003. Hơn 50 nhân viên của WHO tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dân và Chính phủ Việt Nam cải thiện sức khoẻ.
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh có phải là nội dung quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh?
Theo Điều 5 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định như sau:
Quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh
1. Nội dung quản lý nhà nước trong khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
a) Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh;
b) Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch về khám bệnh, chữa bệnh;
c) Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch;
d) Quy định về chuyên môn kỹ thuật, tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong khám bệnh, chữa bệnh;
đ) Tổ chức, xây dựng, quản lý hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
e) Cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề đối với người hành nghề, giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
g) Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; hướng dẫn việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề;
h) Tổ chức nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong khám bệnh, chữa bệnh;
i) Xây dựng, quản lý và vận hành Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;
k) Quản lý nhà nước về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật này và pháp luật về giá;
l) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh;
...
Như vậy, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh là một trong những nội dung quản lý nhà nước trong khám bệnh, chữa bệnh.