16:30 - 26/09/2024

Mẹ nợ tiền bỏ trốn, con có phải trả nợ không?

Mẹ tôi buôn bán có lấy hàng của bạn hàng nhưng chưa đưa tiền (theo kiểu ghi sổ, cuối mỗi tháng sẽ thanh toán) và vay mượn để lấy vốn cho người khác vay lấy lời. Bây giờ những người vay mẹ tôi đã vỡ nợ và bỏ trốn kéo theo mẹ tôi cũng không còn khả năng để trả nợ cho những chủ nợ. Việc mẹ tôi vay tiền để cho người khác vay thì không nói với ai trong gia đình. Tổng số tiền nợ bây giờ rất lớn, gần 15tỷ đồng. Bố mẹ tôi đã xoay sở tất cả các cách: bán hết nhà cửa đất đai để trả bớt nhưng vẫn còn gần 10 tỷ đồng. Bây giờ, mẹ em do nợ nần nên đã trốn đi mất. Vậy thì về pháp luật bọn em có phải chịu trách nhiệm về số nợ đó không ạ?

Nội dung chính

    Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

    Theo quy định pháp luật dân sự thì vay tiền là loại hợp đồng dân sự (hợp đồng vay tài sản). Theo đó, chỉ có người tham gia ký kết hợp đồng mới phải chịu trách nhiệm liên quan đến thỏa thuận của Hợp đồng đó.

    Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định."

    Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

    Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

    Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

    Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

    Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.

    Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ."

    Theo quy định của luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì nếu việc mẹ bạn vay tiền để sử dụng vào mục đích chung của vợ chồng hoặc vay tiền để phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình thì bố bạn mới phải liên đới chịu trách nhiệm đối với khoản nợ đó. Nếu việc vay nợ do mình mẹ bạn thực hiện, bố bạn không biết thì không phải chịu trách nhiệm. Căn cứ điều 27 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định:

    Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014.

    Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014.

    Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây: Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường; Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

    Do đó các anh, chị, em bạn không phải chịu trách nhiệm đối với khoản vay do cha, mẹ bạn thực hiện. Trừ trường hợp đến khi cha, mẹ bạn qua đời có để lại tài sản và có nợ thì các bạn phải trả nợ trong phạm vi di sản đó (di sản để trừ nợ, còn lại mới chia thừa kế).

    Trường hợp mẹ bạn dùng tiền vay mượn dẫn đến mất khả năng chi trả cho người cho vay hoặc bỏ trốn, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì có thể bị truy cứu TNHS về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 140 hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 BLHS:

    Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

    Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; Gây hậu quả nghiêm trọng.

    Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

    Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

    Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

    Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

    Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

    Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; Tái phạm nguy hiểm; Gây hậu quả nghiêm trọng.

    Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

    Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

    Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.

    Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.

    Luật gia Đồng Xuân Thuận

    46