11:02 - 08/01/2025

Mẫu viết bài văn ngắn kể lại một câu chuyện cổ tích mà em thích môn Tiếng việt lớp 4? Năng lực ngôn ngữ mà học sinh lớp 4 phải đạt được?

Học sinh tham khảo các mẫu bài văn ngắn kể lại một câu chuyện cổ tích mà em thích môn Tiếng việt lớp 4? Học sinh lớp 4 được đánh giá theo những phương pháp nào?

Nội dung chính


    Mẫu viết bài văn ngắn kể lại một câu chuyện cổ tích mà em thích môn Tiếng việt lớp 4?

    Các bạn học sinh tham khảo các mẫu bài văn ngắn kể lại một câu chuyện cổ tích mà em thích ở môn Tiếng Việt lớp 4 dưới đây

    Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích - mẫu 1: Cây tre trăm đốt

    Những câu chuyện cổ tích với các chi tiết thần kì, huyền ảo luôn có sức hấp dẫn khó mà từ chối đối với em. Trong các câu chuyện đã đọc, Cây tre trăm đốt là câu chuyện mà em ấn tượng nhiều nhất.

    Câu chuyện kể về anh Khoai - một chàng thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn lại cần cù, chịu khó. Biết anh không có người thân, tên địa chủ đã gọi anh đến và hứa hẹn sẽ gả con gái cho anh ta. Và điều kiện, là anh Khoai phải làm việc cho nhà ông ta ba năm không lấy tiền công. Anh Khoai đồng ý, và từ hôm đó, anh làm việc quần quật sớm hôm, không quản nắng mưa. Nhờ vậy, của cải nhà phú ông ngày càng đầy lên. Thế nhưng, khi ngày hẹn đến, phú ông lại đưa ra thêm một yêu cầu, đó là sính lễ. Ông đòi anh Khoai đem đến cây tre trăm đốt, thì mới gả con gái cho. Anh nông dân ngây thơ, nghe thấy vậy liền vác rìu lên rừng tìm tre. Còn phú ông, thì chờ anh vừa rời đi, liền lập tức tổ chức đám cưới cho con gái và một cậu ấm nhà phú ông làng bên.

    Anh Khoai đi mãi qua nhiều ngọn đồi, nhiều khu rừng mà mãi vẫn không tìm được cây tre dài đủ trăm đốt. Khi anh đang bế tắc, đau khổ, thì ông Bụt đã hiện ra. Ông bảo anh đi chặt về một trăm đốt tre rời. Rồi dạy anh câu thần chú “khắc nhập, khắc nhập” để nối chúng lại thành cây tre dài trăm đốt. Ông còn dạy anh câu thần chú “khắc xuất, khắc xuất” để các đốt tre tách ra, bó gọn lại cho dễ mang về nhà. Nhờ có ông Bụt, anh Khoai có được sính lễ mà phú ông yêu cầu. Anh hăm hở trở về nhà với niềm vui sướng vô cùng. Ngờ đâu, khi anh về đến nơi, đám cưới đang được tổ chức linh đình, mà chú rể không phải anh. Anh Khoai tức giận lắm, liền đọc thần chú, nối liền tên phú ông gian manh vào một trăm đốt tre, khiến ông ta vừa xấu hổ lại đau đớn vô cùng. Tên phú hộ kia cũng muốn chạy lại cứu giúp, thì bị anh Khoai đọc thần chú cho dính liền vào với cây tre luôn. Cuối cùng, anh yêu cầu tên phú ông phải thực hiện lời hứa, thì anh mới thả họ ra. Quá đau đớn, tên phú ông đành phải đồng ý. Thế là, đám cưới của anh Khoai và con gái phú ông được tổ chức linh đình trong sự chúc phúc của bà con.

    Trong câu chuyện Cây tre trăm đốt, anh Khoai đã sử dụng phép thuật để trừng phạt trực tiếp những kẻ xấu xa. Chi tiết đó khiến người đọc vô cùng hả dạ. Đó cũng là bài học cho những kẻ có ý định lừa dối, lợi dụng kẻ khác thì phải dừng lại ngay, nếu không sẽ phải nhận hậu quả nặng nề. Bài học ấy đã được tác giả dân gian gửi gắm khéo léo trong câu chuyện trên.

    Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích - mẫu 2: Ăn khế trả vàng

    Một câu chuyện cổ tích mà em đặc biệt yêu thích và đọc đi đọc lại nhiều lần chính truyện Cây khế.

    Câu chuyện kể về hai anh em trai có tính cách đối lập nhau. Người em hiền lành, lương thiện và trung thực bao nhiêu thì người anh độc ác, gian dối, lười biếng bấy nhiêu. Cũng chính vì tính cách như thế, mà họ đã có hai cuộc đời hoàn toàn khác biệt. Khi cha qua đời, người anh đã chiếm toàn bộ gia sản, rồi đuổi em ra ngoài với một cây khế già và túp lều cũ. Ngờ đâu năm đó, cây khế già lại vô cùng sai quả, thu hút một con chim thần đến ăn. Con chim đó khi nghe người em kể về hoàn cảnh khó khăn của mình đã hứa “Ăn khế trả vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng”. Quả thật, nó đã chở người em đến một hòn đảo toàn vàng và châu báu, nhờ đó mà người em trở nên giàu có. Người anh trai xấu tính vừa biết chuyện, liền sang nhà hỏi thăm, rồi đòi đổi nhà cửa lấy cây khế già. Hắn ta giả vờ kể khổ với chim để được chim chở ra đảo vàng giống em trai. Nhưng hắn ta đã lén mang theo cái túi lớn những mười hai gang, rồi còn vơ vét vàng bạc nhét thêm vào túi áo. Kết quả là trên đường về, khi bị bão quét xuống biển, số vàng đó đã khiến hắn ta không kịp trở tay đã bị nhấn chìm.

    Kết thúc của câu chuyện là bài học răn dạy con cháu đời sau chớ có tham lam, dối trá, nếu không sẽ có hậu quả đáng buồn như người anh trai. Ý nghĩa nhân văn của câu chuyện chính là yếu tố khiến em yêu mến nó đến vậy.

    Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!

    Mẫu viết bài văn ngắn kể lại một câu chuyện cổ tích mà em thích môn Tiếng việt lớp 4? Năng lực ngôn ngữ mà học sinh lớp 4 phải đạt được? (Hình ảnh từ Internet)

    Mẫu viết bài văn ngắn kể lại một câu chuyện cổ tích mà em thích môn Tiếng việt lớp 4? Năng lực ngôn ngữ mà học sinh lớp 4 phải đạt được? (Hình ảnh từ Internet)

    Học sinh lớp 4 được đánh giá theo những phương pháp nào?

    Căn cứ khoản 2 Điều 5 Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT có quy định về đánh giá học sinh tiểu học theo những phương pháp sau:

    - Phương pháp quan sát: Giáo viên theo dõi, lắng nghe học sinh trong quá trình giảng dạy trên lớp, sử dụng phiếu quan sát, bảng kiểm tra, nhật ký ghi chép lại các biểu hiện của học sinh để sử dụng làm minh chứng đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.

    - Phương pháp đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh: Giáo viên đưa ra các nhận xét, đánh giá về các sản phẩm, kết quả hoạt động của học sinh, từ đó đánh giá học sinh theo từng nội dung đánh giá có liên quan.

    - Phương pháp vấn đáp: Giáo viên trao đổi với học sinh thông qua việc hỏi đáp để thu thập thông tin nhằm đưa ra những nhận xét, biện pháp giúp đỡ kịp thời.

    - Phương pháp kiểm tra viết: Giáo viên sử dụng các bài kiểm tra gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo mức độ, yêu cầu cần đạt của chương trình, dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận để đánh giá mức đạt được về các nội dung giáo dục cần đánh giá.

    Năng lực ngôn ngữ mà học sinh lớp 4 phải đạt được?

    Căn cứ theo Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT có quy định năng lực ngôn ngữ mà học sinh lớp 4 phải đạt được như sau:

    - Chú trọng nhiều hơn đến yêu cầu đọc hiểu nội dung cụ thể, hiểu chủ đề, hiểu bài học rút ra được từ văn bản.

    - Bước đầu viết được bài văn ngắn hoàn chỉnh, chủ yếu là bài văn kể, tả và bài giới thiệu đơn giản.

    - Viết được văn bản kể lại những câu chuyện đã đọc, những sự việc đã chứng kiến, tham gia, những câu chuyện do học sinh tưởng tượng; miêu tả những sự vật, hiện tượng quen thuộc;

    - Giới thiệu về những sự vật và hoạt động gần gũi với cuộc sống của học sinh. Viết đoạn văn nêu những cảm xúc, suy nghĩ của học sinh khi đọc một câu chuyện, bài thơ, khi chứng kiến một sự việc gợi cho học sinh nhiều cảm xúc;

    - Nêu ý kiến về một vấn đề đơn giản trong học tập và đời sống; viết một số kiểu văn bản như: bản tự thuật, tin nhắn, giấy mời, thời gian biểu, đơn từ,...; bước đầu biết viết theo quy trình; bài viết cần có đủ ba phần (mở bài, thân bài, kết bài).

    - Trình bày dễ hiểu các ý tưởng và cảm xúc; bước đầu biết sử dụng cử chỉ, điệu bộ thích hợp khi nói; kể lại được một cách rõ ràng câu chuyện đã đọc, đã nghe; biết chia sẻ, trao đổi những cảm xúc, thái độ, suy nghĩ của mình đối với những vấn đề được nói đến; biết thuyết minh về một đối tượng hay quy trình đơn giản.

    - Nghe hiểu với thái độ phù hợp và nắm được nội dung cơ bản; nhận biết được cảm xúc của người nói; biết cách phản hồi những gì đã nghe.

    227
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ