11:43 - 26/09/2024

Lúc say rượu mà ký hợp đồng liệu có hiệu lực không?

Lúc say rượu mà ký hợp đồng liệu có hiệu lực không? Người sử dụng lao động có được ký hợp đồng lao động với chính mình hay không? Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phải được thực hiện bằng tiền?

Nội dung chính

    Lúc say rượu mà ký hợp đồng liệu có hiệu lực không?

    Tôi muốn hỏi: Trường hợp người quản lý của một doanh nghiệp vừa ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa với giá trị hơn 500 triệu. Tuy nhiên, việc ký kết này trong lúc người quản lý đang say rượu, nên tôi muốn hỏi hợp đồng đó có hiệu lực không?

    Trả lời:

    Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

    1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

    Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

    Căn cứ Điều 128 bộ luật này có quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình như sau:

    Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

    Như vậy, nếu người quản lý đó chứng minh được lúc ký kết hợp đồng có sử dụng chất kích thích như rượu bia khiến không thể làm chủ hành vi của mình thì có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

    Người sử dụng lao động có được ký hợp đồng lao động với chính mình không?

    Cho mình hỏi TGĐ đồng thời là người đại diện cho công ty (NSDLĐ) có được ký hợp đồng lao động với chính mình không? 

    Trả lời:

    Khoản 3 Điều 18 Bộ luật lao động 2019 quy định về người có thẩm quyền ký HĐLĐ bên phía NSDLĐ như sau:

    Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau:

    a) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

    b) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

    c) Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

    d) Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

    Đồng thời, Khoản 3 Điều 141 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

    + Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

    Như vậy, trong trường hợp này bạn vừa là TGĐ vừa là người đại diện cho công ty thì không thể nhân danh công ty để ký hợp đồng lao động với chính mình được.

    Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phải được thực hiện bằng tiền?

    Theo quy định hiện hành thì có phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phải được thực hiện bằng tiền không?

    Trả lời:

    Căn cứ Khoản 1 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:

    Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

    Như vậy, theo quy định nêu trên thì các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc. Do đó, không nhất thiết phải bồi thường bằng tiền mà dựa vào sự thỏa thuận.

    Trân trọng!

    1
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ