15:30 - 24/09/2024

Kiểm tra cơ sở kinh doanh có điều kiện

Kiểm tra cơ sở kinh doanh có điều kiện được thực hiện khi nào? Văn bản nào quy định vấn đề này?

Nội dung chính

    Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 42/2017/TT-BCA (có hiệu lực từ ngày 06/12/2017) hướng dẫn Nghị định 96/2016/NĐ-CP về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành thì nội dung này được quy định như sau:

    1. Kiểm tra định kỳ

    Cơ quan Công an có thẩm quyền quy định tại Điều 24 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP thực hiện kiểm tra định kỳ cơ sở kinh doanh không quá một lần trong một năm và phải kết hợp kiểm tra các nội dung khác liên quan đến an ninh, trật tự (nếu có), cụ thể như sau:

    a) Thủ trưởng cơ quan Công an có thẩm quyền quy định tại Điều 24 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quyết định thành lập đoàn hoặc tổ kiểm tra (sau đây viết gọn là đoàn kiểm tra);

    b) Lập kế hoạch kiểm tra

    Phòng hướng dẫn quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và con dấu thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Đội đăng ký, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và con dấu thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh; Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp huyện có trách nhiệm lập kế hoạch kiểm tra định kỳ đối với cơ sở kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, trình lãnh đạo có thẩm quyền quy định tại Điều 24 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP phê duyệt.

    c) Nội dung kế hoạch kiểm tra định kỳ, gồm:

    - Lý do, căn cứ tiến hành kiểm tra;

    - Mục đích, yêu cầu kiểm tra;

    - Đối tượng kiểm tra;

    - Nội dung kiểm tra;

    - Thành phần đoàn kiểm tra;

    - Thời gian tiến hành kiểm tra;

    d) Thực hiện kiểm tra

    - Trước khi thực hiện kiểm tra, cơ quan Công an có thẩm quyền phải có văn bản thông báo trước 05 ngày làm việc cho cơ sở kinh doanh về thời gian, địa điểm, nội dung kiểm tra, thành phần đoàn kiểm tra;

    - Trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho thành viên đoàn kiểm tra theo kế hoạch;

    - Thành viên đoàn kiểm tra phải nghiên cứu, nắm vững mục đích, yêu cầu, nội dung kế hoạch kiểm tra; chủ động thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng đoàn kiểm tra;

    - Nội dung kiểm tra thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP và kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt;

    - Việc kiểm tra phải lập biên bản kiểm tra theo mẫu ĐK5a ban hành kèm theo Thông tư này, có chữ ký của người lập biên bản, đại diện đoàn kiểm tra và người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự hoặc người đại diện của cơ sở kinh doanh. Biên bản kiểm tra phải lập ít nhất 02 bản và giao cho cơ sở kinh doanh 01 bản.

    Trường hợp phát hiện cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự thì ngoài việc lập biên bản kiểm tra còn phải lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan tới các lĩnh vực khác nếu không thuộc thẩm quyền xử lý thì trưởng

    đoàn kiểm tra phải kịp thời báo cáo lãnh đạo quản lý trực tiếp để xin ý kiến chỉ đạo; không được tự ý giải quyết công việc không thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

    đ) Kết thúc kiểm tra

    - Trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm tra cho lãnh đạo đã phê duyệt kế hoạch;

    - Lãnh đạo có trách nhiệm phân công cán bộ theo dõi, đôn đốc việc khắc phục tồn tại, thiếu sót hoặc xử lý vi phạm của cơ sở kinh doanh (nếu có).

    2. Kiểm tra đột xuất

    Thủ trưởng các cơ quan Công an quy định tại khoản 3 Điều 50 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quyết định việc kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh, cụ thể như sau:

    a) Trường hợp thành lập đoàn kiểm tra thì trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm đề xuất biện pháp, nội dung thực hiện công tác kiểm tra và báo cáo lãnh đạo phê duyệt và quyết định thành lập đoàn kiểm tra;

    b) Trường hợp vì lý do cấp thiết không thành lập đoàn kiểm tra mà lãnh đạo chỉ phân công cán bộ thực hiện thì cán bộ được giao nhiệm vụ kiểm tra phải chịu trách nhiệm về việc kiểm tra;

    c) Đối với đoàn kiểm tra hoặc cán bộ kiểm tra thuộc các lực lượng nghiệp vụ khác không trực tiếp quản lý cơ sở kinh doanh thì cán bộ phụ trách đoàn kiểm tra phải xuất trình Giấy chứng minh Công an nhân dân cho người đại diện của cơ sở kinh doanh;

    d) Nội dung kiểm tra, lập biên bản kiểm tra, kết thúc kiểm tra thực hiện theo quy định tại điểm d, điểm đ khoản 1 Điều này.

    Trên đây là nội dung tư vấn về kiểm tra cơ sở kinh doanh có điều kiện. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 42/2017/TT-BCA.

    Trân trọng!

    703
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ