Không nộp báo cáo tài chính năm thì doanh nghiệp có thể bị phạt bao nhiêu tiền?
Nội dung chính
Doanh nghiệp nào phải nộp và không cần nộp báo cáo tài chính năm?
Căn cứ khoản 1 Điều 99 Thông tư 200/2014/TT-BTC có quy định về đối tượng áp dụng, trách nhiệm lập và chữ ký trên báo cáo tài chính như sau:
Đối tượng áp dụng, trách nhiệm lập và chữ ký trên Báo cáo tài chính
1. Đối tượng lập Báo cáo tài chính năm:
Hệ thống Báo cáo tài chính năm được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành và các thành phần kinh tế. Báo cáo tài chính năm phải lập theo dạng đầy đủ.
2. Đối tượng lập Báo cáo tài chính giữa niên độ (Báo cáo tài chính quý và Báo cáo tài chính bán niên):
a) Doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ cổ phần chi phối, đơn vị có lợi ích công chúng phải lập Báo cáo tài chính giữa niên độ;
b) Các doanh nghiệp khác không thuộc đối tượng tại điểm a nêu trên được khuyến khích lập Báo cáo tài chính giữa niên độ (nhưng không bắt buộc).
c) Báo cáo tài chính giữa niên độ được lập dưới dạng đầy đủ hoặc tóm lược. Chủ sở hữu đơn vị quyết định việc lựa chọn dạng đầy đủ hoặc tóm lược đối với Báo cáo tài chính giữa niên độ của đơn vị mình nếu không trái với quy định của pháp luật mà đơn vị thuộc đối tượng bị điều chỉnh.
...
Căn cứ Điều 18 Thông tư 132/2018/TT – BTC quy định về báo cáo tài chính như sau:
Báo cáo tài chính
1. Doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập báo cáo tài chính để nộp cho cơ quan thuế.
2. Doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thực hiện các báo cáo theo quy định của pháp luật thuế. Thời gian lập và nộp báo cáo thực hiện theo quy định của pháp luật thuế.
...
Căn cứ Điều 12 Luật Kế toán 2015 quy định về kỳ kế toán như sau:
Kỳ kế toán
...
4. Trường hợp kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng có thời gian ngắn hơn 90 ngày thì được phép cộng với kỳ kế toán năm tiếp theo hoặc cộng với kỳ kế toán năm trước đó để tính thành một kỳ kế toán năm; kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng phải ngắn hơn 15 tháng.
Căn cứ Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Quản lý thuế đối với người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh
...
2. Trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh:
a) Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.
...
Như vậy, tất cả các loại hình doanh nghiệp phải nộp báo cáo tài chính năm trừ một số trường hợp như:
- Doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ;
- Kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng có thời gian ngắn hơn 90 ngày thì được phép cộng với kỳ kế toán năm tiếp theo hoặc cộng với kỳ kế toán năm trước đó để tính thành một kỳ kế toán năm;
- Doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động.
Không nộp báo cáo tài chính năm thì doanh nghiệp có thể bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Không nộp báo cáo tài chính năm thì doanh nghiệp có thể bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ Điều 12 Nghị định 41/2018/NĐ-CP có quy định như sau:
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về nộp và công khai báo cáo tài chính
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định;
b) Công khai báo cáo tài chính chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công khai báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định;
b) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đính kèm báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính;
c) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định;
d) Công khai báo cáo tài chính không kèm theo báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật yêu cầu phải kiểm toán báo cáo tài chính;
đ) Công khai báo cáo tài chính chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thông tin, số liệu công khai báo cáo tài chính sai sự thật;
b) Cung cấp, công bố các báo cáo tài chính để sử dụng tại Việt Nam có số liệu không đồng nhất trong một kỳ kế toán.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Không công khai báo cáo tài chính theo quy định.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp và công khai báo cáo kiểm toán đính kèm báo cáo tài chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, d khoản 2 Điều này.
Như vậy, không nộp báo cáo tài chính năm thì doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Ngoài chịu mức phạt vi phạm, doanh nghiệp phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định là buộc nộp và công khai báo cáo kiểm toán đính kèm báo cáo tài chính.
Lưu ý: Căn cứ tại khoản Điều 5 Nghị định 41/2018/NĐ-CP đã được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP mức phạt trên là mức phạt đối với tổ chức.
Hồ sơ báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp bao gồm những gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 100 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định hồ sơ báo cáo tài chính năm đối với doanh nghiệp bao gồm:
- Bảng cân đối kế toán - Mẫu số B 01 - DN
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh - Mẫu số B 02 - DN
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ - Mẫu số B 03 - DN
- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính - Mẫu số B 09 - DN